Giờ nghị án, bà L.T.N khó nhọc bước xuống bậc thềm phòng xét xử. Một người thân đi cùng vừa dìu bà vừa khệ nệ xách theo chiếc làn nhựa với đủ thứ linh tinh. Trong chiếc làn ấy, ngoài quần áo, đồ ăn… có thêm một túi ni-lông đựng xấp giấy tờ và cuốn sổ thăm gặp.
Lần này, bà N. đến tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án "Cướp giật tài sản" mà cháu ngoại bà là 1 trong 5 bị cáo hầu tòa hôm đó.
Lạc giọng vì đứa cháu ngoại ham chơi
Trong vụ án, 5 thanh niên hợp thành băng nhóm gây ra nhiều vụ cướp giật ở trung tâm TP HCM. Cháu bà N. là bị cáo Nguyễn Tuấn Quang (SN 1990) lãnh 4 năm tù giam về tội "Cướp giật tài sản". Cơ quan xét xử xác định Quang tham gia một vụ cướp điện thoại di động trị giá hơn 2,5 triệu đồng. Quang dùng xe máy do bà ngoại bỏ tiền ra mua làm phương tiện chở đồng bọn đi gây án.
Bà L.T.N (trái) thấp thỏm ngoài phòng xử án Ảnh: HỒNG NHUNG
Hôm ấy, bà N. đến nơi thì HĐXX đã hoàn tất phần thủ tục. Bà lo lắng, giọng nói lạc đi vì không biết làm thế nào thông báo với thư ký rằng bà không vắng mặt. Nhìn cảnh ấy, không ít người dự khán chạnh lòng. Khi HĐXX đề cập đến chiếc xe máy bị cơ quan công an thu giữ, bà trình bày: "Xe đó do tôi bỏ tiền ra mua để chở mía, cháu chỉ đứng tên thôi. Nhà tôi bán nước mía ở đường 3 Tháng 2. Tôi đến đây xin tòa cho tôi nhận lại chiếc xe". Gần 70 tuổi, bà nghe lõm bõm câu được câu mất nên mỗi lần HĐXX hỏi, bị cáo Quang trở thành người thuyết minh cho bà ngoại.
Giờ nghị án, không như bà ngoại thấp thỏm bên ngoài, đứa cháu trai trong phòng xử chẳng hề tỏ ra lo ngại hay lúng túng. Các bị cáo bình tĩnh nói chuyện, cười đùa.
Xét thấy nguyện vọng bà N. đưa ra có căn cứ, tòa án tuyên bố trả lại bà xe gắn máy. Bà N. ra về bỏ lại câu nói như lạc đi sau khi dặn cháu ngoại nhớ sửa mình để thành người tốt, khiến không ít tiếng thở dài thoát ra từ những người dự khán.
Tiếng than đau đớn của người vợ
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Giết người" mà bị cáo Nguyễn Dác Thương là hung thủ chưa kịp bắt đầu thì phòng xử đã huyên náo. Người nhà bị hại xông đến, trút giận lên vợ bị cáo (tên H.T.L) khi chị này vừa đặt chân vào tòa án. Cho rằng chị L. tỏ thái độ khinh thường người đã khuất, một người cậu của bị hại tức giận lao tới hành hung, đến nỗi cảnh sát tư pháp không kịp can thiệp. Bất ngờ lãnh đòn đau, chị L. gục xuống, với tiếng than đau đớn trước khi bất tỉnh trước cửa phòng xử án. Người nhà đưa chị cấp cứu khi chị chưa kịp nhìn thấy chồng mình ngồi chờ xét xử phía trong.
Hai người con của bà D.T.X ngồi ghế bị cáo và bị hại ở tòa Ảnh: HỒNG NHUNG
Trước đó, chị H.T.L và Nguyễn Dác Thương sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Tối 8-8-2018, chị L. uống cà phê với bạn ở quán đối diện nơi hai vợ chồng bán đồ ăn. 15 phút sau, Thương thấy có người la lối, đá bàn ghế trong quán chị L. đang ngồi uống cà phê. Sợ vợ bị đánh, Thương đi bộ qua rồi gây hấn với một người đàn ông khác. Sau đó, Thương cầm dao đâm khiến anh này tử vong.
Phiên tòa gần kết thúc, chị L. mới trở lại với 7 mũi khâu ở mặt. Máu thấm đẫm áo sơ mi trắng chị mặc. Dù rất đau đớn, mệt mỏi nhưng người vợ ấy gắng sức vào dự khán. Dù sao, chị cũng kịp nghe tòa tuyên phạt người chồng nóng nảy 13 năm tù về tội "Giết người".
Người mẹ chỉ còn biết câm lặng giữa tòa
"Vừa là mẹ bị hại, vừa là mẹ bị cáo nên thực sự tôi không mong muốn cớ sự xảy ra như ngày hôm nay. Với tư cách mẹ của cả hai bên, tôi thấy tòa sơ thẩm xử con tôi tội "Cố ý gây thương tích" là đúng người đúng tội. Dù vậy, mức án 2 năm tù giam là quá nặng. Tôi làm đơn này xin tòa phúc thẩm cứu xét mức án treo. Nếu như vậy, con tôi có cơ hội tự cải tạo, chăm sóc gia đình…". Đó là nội dung trong lá đơn bà D.T.X gửi tòa án. Có lẽ, đó cũng là tất cả những gì mà một người mẹ có thể làm để con mình khỏi cảnh tù tội. Hoàn cảnh trớ trêu đổ lên người bà X. từ khi hai người con trai xích mích bởi chuyện vay mượn tiền.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, người em chém trọng thương anh trai mình. Vì thế, tòa sơ thẩm phạt người em 2 năm tù giam về tội "Cố ý gây thương tích". Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời, bị hại kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt.
Tuy nhiên ở phiên xử phúc thẩm, phía bị hại rút yêu cầu trên và đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án. Gia đình bị hại nhất quyết không đồng ý mức án treo. Theo họ, mức án treo không tương xứng với hành động bị cáo đối xử với anh trai. Trái lại, bị cáo tỏ ra hối hận, thành khẩn. Kết thúc phiên xử, HĐXX chấp nhận mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Suốt phiên tòa, bà X. chỉ biết ngồi im lặng, thỉnh thoảng tiếng thở dài thườn thượt vang lên. Dù bênh ai, trách ai thì bà không thể nào vãn hồi mối quan hệ gia đình vốn rạn vỡ từ lâu.
Có lẽ, từ khi hai anh em đưa nhau đến chốn pháp đình, sự rạn vỡ ấy như con dao cứa sâu vào lòng người mẹ.
Thở dài sau 9 năm theo kiện
Thất thểu ra về sau vụ kiện hành chính, gia đình ông D.N.M (ngụ huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) chưng hửng. Họ than thở nếu cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn thì cả gia đình chẳng phải lặn lội đường xa như thế này.
Năm 1984, vợ chồng ông D.N.M kê khai 1.400 m2 đất khai hoang. Năm 1993, UBND huyện Đạ Huoai thông báo đây là phần đất gia đình ông M. lấn chiếm và tổ chức cưỡng chế. Gia đình ủy quyền ông D.N.K (cha ruột ông M.) tiến hành khiếu nại. Đến năm 2010, ông K. gửi UBND huyện "Đơn kiến nghị cấp đất và xin cấp chủ quyền" đối với phần đất nói trên.
Ngày 23-9-2010, gia đình ông M. nảy sinh tranh chấp về quyền sở hữu phần đất. Một số thành viên trong gia đình đâm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, UBND huyện Đạ Huoai không nhận đơn. Cùng thời điểm đó, UBND huyện căn cứ "đơn kiến nghị" của ông K. để ban hành Quyết định số 837 về việc "giải quyết khiếu nại" theo hướng trả lại thửa đất. Dựa trên Quyết định số 837, lãnh đạo huyện tiếp tục ký văn bản số 840 về việc cấp giấy tờ đất cho hộ ông K.; quyết định thu hồi một phần đất và giá bồi thường.
Đáng nói, 4 văn bản trên đều ban hành trong ngày 24-9-2010. Ông M. cho biết tháng 10-2010, ông khởi kiện dân sự về tranh chấp quyền sử dụng thửa đất trên. Sau đó, ông rút đơn kiện dân sự. Đồng thời, ông M. tiến hành khởi kiện hành chính một số quyết định do UBND huyện Đạ Huoai ban hành liên quan đến mảnh đất, trong đó có quyết định 840 và 837. Năm 2016, TAND tỉnh Lâm Đồng xử sơ thẩm đã đình chỉ vụ kiện hành chính giữa gia đình ông M. với UBND huyện Đạ Huoai. HĐXX sơ thẩm nhận định quyết định 840 và 837 đã hết thời hiệu khởi kiện. Gia đình tiếp tục kháng cáo vì nhận thấy cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chưa xem xét toàn diện vụ việc. Quả thật, ai cũng đau đầu khi nghe hết quá trình khởi kiện nói trên.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện chính quyền huyện Đạ Huoai chỉ trả lời duy nhất 1 câu hỏi trong số gần 10 câu luật sư phía nguyên đơn đặt ra, không tham gia tranh luận.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng quy trình tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục. Căn cứ hồ sơ vụ án, đại diện VKS khẳng định TAND tỉnh Lâm Đồng kết luận hai quyết định 840 và 837 hết thời hiệu khởi kiện là không đúng với hướng dẫn của TAND Tối cao. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của người dân. Sau khi xem xét luận cứ các bên đưa ra, cấp phúc thẩm quyết định trả hồ sơ, yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.
Rút kinh nghiệm từ vụ án, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm góp ý: "Ông bà vẫn có thể yêu cầu hủy các quyết định hành chính trong vụ kiện dân sự năm 2010. Việc rút đơn kiện dân sự, chuyển qua khởi kiện hành chính là việc làm không cần thiết, khiến các bên mất thời gian, công sức".
Bình luận (0)