Ngày 7-7, TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo Nguyễn Vương Cường (SN 1983, quê Hà Tĩnh) 36 tháng tù và Nguyễn Văn Tài (SN 1991, em trai bị cáo Cường, là nhân viên Công ty CP Cung ứng nhân lực, xuất nhập khẩu Thiên Ân) 30 tháng tù cùng về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài". Cùng về tội danh nêu trên, Toà còn tuyên bị cáo Nguyễn Thị Nhàn (SN 1991, quê Phú Thọ) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: P.T.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 6-2021, Cường bàn với Tài về việc dùng tài khoản Facebook để đăng bài dịch vụ hỗ trợ xin thị thực (visa), đưa người đi nước ngoài. Sau khi Tài đăng bài, bà V.Th.Th (ở Nghệ An) và Nguyễn Thị Nhàn đã liên hệ, trao đổi là có nhu cầu đưa người ra nước ngoài lao động. Qua trao đổi, Tài được biết bà Th. và chồng là ông Tr., cùng ông H.C.H. (do Nhàn môi giới) không đủ điều kiện để đi Canada lao động hợp pháp do những người này quá tuổi lao động để xin được visa lao động.
Do đó, 3 vị khách nêu trên đã thỏa thuận, chi phí để Cường và Tài làm thủ tục xin visa du lịch tại Canada rồi trốn ở lại làm việc. Cường, Tài thỏa thuận sẽ thu của vợ chồng bà Th. là 15.000 USD/người và thông qua Nhàn, sẽ thu của ông H. 23.000 USD khi những người này sang được Canada.
Trong quá trình làm thủ tục, Cường, Tài đã nhận từ vợ chồng bà Th. và ông H. tổng số 493 triệu đồng. Trong đó, anh em Cường đã chi 127,5 triệu đồng, thu lợi bất chính 365,5 triệu đồng. Sau đó, Cường, Tài thông qua dịch vụ trên mạng Internet thuê người làm các giấy tờ chứng minh năng lực tài chính, chứng minh công việc cho 3 người trên và gửi đến Đại sứ quán Canada tại Việt Nam để xin visa du lịch.
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cho rằng hành vi nêu trên của các bị can đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước về quản lý dân cư, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh. Trong khi đó, anh em bị cáo Cường cho rằng mình không phạm tội, đề nghị Hội đồng xem xét xem xét.
Bào chữa cho 2 anh em bị cáo Cường, luật sư Giang Hồng Thanh và luật sư Trịnh Văn Tuyến thuộc Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng quy kết của VKSND là không có căn cứ, không đúng, khiến bị cáo Tài và Cường bị oan. Bởi theo lời khai của các bị cáo tại cơ quan tố tụng, số tiền thu lợi bất chính 365,5 triệu đồng chỉ là tiền vợ chồng bà Th. đặt cọc "chống trốn" cho Tài, với mục đích khách hàng phải quay về Việt Nam. Trên thực tế, vợ chồng bà Th. đều xác định sẽ quay về Việt Nam.
"Ngay cả các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cũng được quyền yêu cầu người lao động phải ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng - Một hình thức đặt cọc "chống trốn". Như vậy, rõ ràng không phải cứ đặt cọc "chống trốn" hay ký quỹ là người nhận đặt cọc sẽ được hưởng khoản tiền đặt cọc" - luật sư phân tích.
Bình luận (0)