Tại hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) ở TP HCM do UBND TP tổ chức ngày 3-8, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP, cho rằng sự đa dạng về nội dung sự kiện, lĩnh vực lập vi bằng cùng với sự gia tăng số lượng vi bằng được lập theo yêu cầu cho thấy nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tạo lập chứng cứ thông qua hình thức vi bằng ngày một gia tăng. Tuy vậy, quy trình thủ tục vẫn gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho người dân và văn phòng TPL - nơi tiến hành thủ tục lập vi bằng.
Hiểu chưa đúng về vi bằng
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của TPL chưa cụ thể. Do vậy, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn ngộ nhận vi bằng với văn bản công chứng, chứng thực vì đều có giá trị chứng cứ. Không chỉ vậy, thủ tục lập vi bằng còn chưa rõ ràng, gây lúng túng cho chính hoạt động của TPL. Trong khi đó, Bộ Tư pháp chưa có thông tư cụ thể nhằm tháo gỡ những vướng mắc này.
Số liệu đăng ký vi bằng theo từng năm cho thấy số lượng vi bằng luôn tăng mạnh. Sáu tháng đầu năm 2015, số vi bằng được lập đã đạt tới con số ấn tượng là 7.233. Trong 4 năm, doanh thu từ việc lập vi bằng tăng từ hơn 2,2 tỉ đồng (năm 2010) lên hơn 10 tỉ đồng (năm 2014). Sau 5 năm thí điểm, các văn phòng TPL đã lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký tại Sở Tư pháp 32.527 vi bằng với doanh thu hơn 40,2 tỉ đồng.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP, cũng khẳng định vi bằng chính là thế mạnh của TPL. Hoạt động lập vi bằng đã cung cấp chứng cứ xác thực, có độ tin cậy cho hoạt động xét xử, góp phần quan trọng trong việc chứng minh yêu cầu và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia khiếu kiện. Tuy nhiên, khi lập vi bằng, TPL không giải thích rõ ràng với người dân vi bằng được lập chỉ là chứng cứ chứng minh các bên có giao nhận tiền, nhà, đất… mà không thể thay thế văn bản bắt buộc phải công chứng. “Tình trạng trên dẫn đến nhiều trường hợp người dân hiểu nhầm vi bằng có thể thay thế văn bản công chứng, từ đó thực hiện các giao dịch không bảo đảm an toàn pháp lý” - bà Hương nói.
Bất cập quá nhiều
Sau 5 năm thực hiện thí điểm, các văn phòng TPL chỉ thụ lý 196 vụ việc thi hành án (THA) theo yêu cầu của đương sự. Nhiều đại biểu cho rằng kết quả trên là bài toán nan giải của TPL.
Ông Huỳnh Văn Hạnh giải thích một trong những nguyên nhân khiến công tác THA của TPL sau nhiều năm vẫn giẫm chân tại chỗ là việc tòa án các cấp chưa giải thích và ghi rõ trong bản án nội dung TPL được quyền trực tiếp tổ chức THA theo đơn yêu cầu của đương sự. Mặt khác, Luật THA dân sự năm 2008 không đề cập về công tác chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực cho văn phòng TPL; quy định về phương án xử lý khi một bản án cùng có cơ quan THA và TPL tham gia theo yêu cầu của đương sự...
Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục THA Dân sự TP, nhận xét công tác phối hợp giữa một số chi cục THA và văn phòng TPL còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Không ít chi cục thiếu chủ động khi phối hợp tổ chức THA, giải quyết khiếu nại - tố cáo; chậm phản hồi thông tin. Hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong những vụ việc đương sự yêu cầu cả TPL và THA cùng tham gia. “Năm 2014, chúng tôi đã xử lý kỷ luật một chi cục trưởng vì không chấp hành nghiêm chỉ đạo phối hợp với TPL trong công tác THA” - ông Lực nói.
Ông Lực kiến nghị do là hoạt động dịch vụ nên TPL cần chủ động tìm các phương thức tổ chức THA phù hợp với pháp luật, có hiệu quả. Mặc dù số lượng vụ việc THA do các văn phòng TPL tổ chức thi hành xong chưa nhiều nhưng đã chứng minh việc giao cho TPL tổ chức THA là có cơ sở, phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, nhà nước cần cho phép TPL độc lập hoàn toàn trong công tác THA dân sự.
Quyết liệt hơn nữa
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, yêu cầu công tác phối hợp giữa các ban, ngành trong việc thực hiện chế định TPL cần làm nhanh, quyết liệt hơn nữa. “Các vướng mắc trong quá trình phối hợp sẽ được giải quyết bằng các quy chế cụ thể” - ông Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)