Theo thẩm phán Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM, qua hơn 9 tháng, hoạt động thí điểm "Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính" thu về những kết quả tích cực với 5.189 vụ việc hòa giải thành (đạt tỉ lệ gần 80%) ở 10 Trung tâm Hòa giải, Đối thoại tại TAND TP và 9 tòa án quận, huyện.
Ngăn chặn kiện tụng
"Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là bước quan trọng trong cải cách tư pháp, ngăn ngừa tiêu cực phát sinh, góp phần xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh" - Chánh án TAND TP HCM nhấn mạnh và khẳng định tại TP HCM, nhiều vụ việc có kết quả hòa giải mỹ mãn trở thành kinh nghiệm trong thương lượng, kịp thời ngăn chặn khiếu kiện tập thể.
Kết quả hòa giải vụ "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa" giữa Công ty TNHH Bê-tông Mê Kông với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Không Gian Việt là một trong những điển hình. Trong đơn kiện, Công ty TNHH Bê-tông Mê Kông cho rằng Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Không Gian Việt vi phạm nghĩa vụ thanh toán hợp đồng và yêu cầu phía bị kiện trả số nợ gốc gần 94 triệu đồng kèm lãi phát sinh gần 2,8 triệu đồng. TAND quận Bình Tân chuyển hồ sơ qua Trung tâm Hòa giải, Đối thoại trực thuộc.
Ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP HCM, trao bằng khen cho các hòa giải, đối thoại viên xuất sắc
Làm việc riêng với từng bên, hòa giải viên đưa ra một số định hướng. Sau khi trao đổi, phía khởi kiện tự nguyện giảm lãi suất phát sinh từ gần 2,8 xuống gần 1,4 triệu đồng và chấp nhận Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Không Gian Việt thanh toán số nợ còn lại trong 3 đợt. Hai bên thống nhất yêu cầu TAND quận Bình Tân công nhận kết quả trong biên bản hòa giải thành.
Trung tâm Hòa giải, Đối thoại thuộc TAND huyện Củ Chi góp phần ngăn chặn nhiều vụ kiện lao động từ 1 đơn kiện. Mới đây, chị Nguyễn Thị Cẩm Linh (công nhân) sau khi nghỉ việc đã khởi kiện Công ty TNHH Thực phẩm Việt Tường yêu cầu chốt sổ BHXH. Hòa giải viên Phạm Thị Ngọc đứng ra làm cầu nối hòa giải. Bà Ngọc kể sau khi nghiên cứu hồ sơ, bà mời từng đương sự đến làm việc. Qua đó, bà biết doanh nghiệp đang khó khăn, nợ BHXH hơn 2 tỉ đồng. Chồng chị Linh cũng vừa nghỉ việc ở công ty này. LĐLĐ huyện Củ Chi từng tổ chức hòa giải tranh chấp giữa công nhân và doanh nghiệp nhưng không thành.
Trong trường hợp này, hòa giải viên thuyết phục công ty tách riêng việc đóng và chốt sổ BHXH cho vợ chồng chị Linh. Doanh nghiệp đồng ý và đóng hết 120 triệu đồng, chốt 2 sổ BHXH, người lao động rút đơn kiện. Theo TAND huyện Củ Chi, từ vụ kiện trên, những người lao động khác bị công ty trên nợ BHXH chủ động liên hệ, thỏa thuận chốt sổ thay vì cùng nhau đi kiện. Như vậy, trung tâm giúp tòa án không phải thụ lý một lượng lớn đơn khởi kiện giữa người lao động với Công ty TNHH Thực phẩm Việt Tường.
Còn những lỗ hổng phải bịt kín
Dù thu về kết quả thiết thực, hữu ích nhưng hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án trong quá trình thí điểm phát sinh nhiều lỗ hổng. Nguyên nhân không chỉ bắt nguồn từ luật mà còn bắt nguồn từ chính người trong cuộc.
Tại Trung tâm Hòa giải, Đối thoại thuộc TAND quận Bình Tân, một số vụ việc ách tắc do luật chưa điều chỉnh kịp. Trong một vụ án ly hôn có tranh chấp ở khoản nợ chung, có trường hợp hai đương sự thống nhất sau khi hòa giải ở trung tâm và yêu cầu tòa án công nhận bằng một quyết định có giá trị pháp lý. Song, thẩm phán không thể công nhận. Bởi vì theo luật, nợ chung phải có sự thống nhất từ chủ nợ.
Từ thực tiễn tại Trung tâm Hòa giải, Đối thoại thuộc TAND TP, hòa giải - đối thoại viên Nguyễn Văn Đình cho biết đơn khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính rất phức tạp, đa dạng. Người dân khiếu kiện UBND không giải quyết tranh chấp đất, không ban hành kết quả giải quyết khiếu nại; đến những quyết định bồi thường, đền bù ở dự án kéo dài nhiều năm. Ông Đình đúc kết: Án hành chính có đến 100 loại vụ việc khác nhau. Người bị kiện trong vụ việc khiếu kiện hành chính (lãnh đạo cơ quan nhà nước) thường không đến Trung tâm Hòa giải, Đối thoại thuộc tòa án khi có thư mời. "Có khi chúng tôi mời đến 3 lần mà họ vẫn không đến" - ông Đình nói và giải thích tình trạng chậm trễ trên do cơ chế làm giấy ủy quyền. Khi có khiếu kiện, chủ tịch UBND thường ủy quyền người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại. Quy trình vòng vèo trong cơ quan nhà nước khiến thời gian làm giấy ủy quyền kéo dài, không bắt kịp thời gian tổ chức hòa giải, đối thoại. Ông Đình và nhiều đối thoại, hòa giải viên khác đề nghị Dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại cũng như cơ quan nhà nước nghiêm túc khắc phục nhược điểm này.
Theo TAND TP HCM, đối với vụ án dân sự có liên quan đến tài sản, sau khi đương sự thống nhất toàn bộ nội dung thỏa thuận và yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì phát sinh bất cập. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên thẩm phán không thể trực tiếp chứng kiến quá trình hòa giải thành, trong khi thẩm phán cần cơ sở chắc chắn trước khi ra quyết định nên phải mất thời gian xem xét lại từ đầu toàn bộ hồ sơ.
Chánh án TAND TP Lê Thanh Phong mong Quốc hội sớm thông qua Luật Hòa giải, Đối thoại tại tòa án. Song song đó, cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác hòa giải, đối thoại.
Chưa làm tốt công tác tuyên truyền
Ông Trần Thế Lưu - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP - cho rằng quá trình hoạt động tại 10 Trung tâm Hòa giải, Đối thoại tại tòa án bộc lộ một số thiếu sót. Người dân còn bỡ ngỡ, chưa hiểu hết lợi ích trung tâm mang lại. Ngoài ra, cơ quan, ban - ngành, quận - huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Vì thế, một số cán bộ, công chức chưa thực sự nắm bắt đầy đủ chủ trương về việc thực hiện thí điểm này. Do đó, cần tuyên truyền nhiều hơn để mọi người cùng biết, cùng hiểu.
Bình luận (0)