xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoàng Khương bị tuyên phạt 4 năm tù

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

HĐXX cho rằng trong quá trình công tác, Hoàng Khương có công chống tiêu cực nhưng trong vụ án xét xử này, Hoàng Khương giữ vai trò chính trực tiếp trong việc đưa hối lộ

Sau 2 ngày xét xử, chiều 7-9, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khương (SN 1973, bút danh Hoàng Khương, phóng viên Báo Tuổi Trẻ) 4 năm tù, Nguyễn Đức Đông Anh (SN 1989) 4 năm, Trần Minh Hòa (SN 1991) 5 năm, Trần Anh Tuấn (SN 1966) 1 năm cùng về tội “Đưa hối lộ”; Huỳnh Minh Đức (SN 1976, nguyên CSGT quận Bình Thạnh) 5 năm về tội “Nhận hối lộ”, Tôn Thất Hòa (SN 1955) 2 năm về tội “Làm môi giới hối lộ”.

Luật sư: Thiếu căn cứ pháp lý

Trước đó, trong phần bào chữa cho Hoàng Khương, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng với tư cách là nhà báo, Hoàng Khương đã có nhiều đóng góp trong việc chống tiêu cực. Luật Báo chí quy định quyền và nghĩa vụ phóng viên được đóng giả vai trong quá trình tác nghiệp. Tại một số địa phương Hoàng Khương đã đóng giả vai (tài xế) để phát hiện nhiều vụ tiêu cực, những vụ này đã được điều tra, truy tố, xét xử và đề nghị không khởi tố hành vi đưa hối lộ.

img
Hoàng Khương nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án
Trong vụ án này, kết luận điều tra và cáo trạng không đề cập việc Báo Tuổi Trẻ đã xây dựng đề cương cho tuyến bài về an toàn giao thông. Hai bài báo “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “CSGT giải cứu xe đua trái phép” của Hoàng Khương đã được Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ đồng ý về mặt chủ trương. Hoàng Khương chủ động lên kế hoạch tác nghiệp, sử dụng tên giả, có ghi âm, chụp hình làm cơ sở, không có động cơ cá nhân.
 
Tuy nhiên, bản kết luận điều tra, cáo trạng và kết luận của đại diện VKSND TPHCM tại phiên tòa không đề cập chủ trương của Báo Tuổi Trẻ cũng như  quá trình Công an quận Bình Thạnh tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm thông qua 2 bài báo đăng tải công khai trên Báo Tuổi Trẻ, dẫn đến việc đánh giá sai lệch bản chất vụ án.
 
Hơn nữa, hành vi tác nghiệp của Hoàng Khương diễn ra sau khi Huỳnh Minh Đức đã có hành vi nhận 3 triệu đồng của Trần Anh Tuấn. Việc quyết định truy tố Hoàng Khương về hành vi “Đưa hối lộ” do liên quan đến quá trình tác nghiệp là chưa đủ căn cứ pháp lý, đề nghị xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

VKSND và tòa án: Đủ căn cứ buộc tội

Tranh luận với luật sư Phan Trung Hoài, đại diện VKSND TPHCM, cho rằng  Hoàng Khương đã nhiều năm làm báo, phải hiểu rõ những gì nhà báo được phép và không được phép làm. Việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phải trong khuôn khổ pháp luật. Bị cáo không báo cáo tác nghiệp với cơ quan chủ quản, không dùng tiền của cơ quan mà dùng 15 triệu đồng của bị cáo Trần Minh Hòa để đưa cho Huỳnh Minh Đức.
 
Liên quan đến chiếc xe, vật chứng của vụ án, đáng lý bị cáo Hoàng Khương phải giao nộp cho cơ quan chức năng nhưng Hoàng Khương lại bảo Trần Minh Hòa đem đi giấu. Bị cáo trực tiếp tham gia luôn vào vụ việc đưa hối lộ, lạm dụng vai trò báo chí.
 
Trong lời nói sau cùng tại phiên tòa, Hoàng Khương đã xin lỗi những người vì giúp mình trong khi tác nghiệp mà phải ra đứng trước vành móng ngựa, mong muốn HĐXX xem xét giảm án cho họ. Hoàng Khương cũng xin lỗi Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ vì nóng lòng tác nghiệp mà dẫn đến sự việc như hôm nay, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo.
 
Về phần mình, Hoàng Khương nói: “Bị cáo không có động cơ nào khác là để kéo giảm tai nạn giao thông theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bị cáo tự xác định mình có lỗi nhưng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự. 248 ngày tạm giam đã qua là một hình phạt nặng nề với bị cáo”.
 
HĐXX cho rằng Hoàng Khương có công chống tiêu cực trong quá trình công tác, điều này xã hội không phủ nhận. Nhưng trong vụ án xét xử này, Hoàng Khương giữ vai trò chính trực tiếp trong việc đưa hối lộ. Tại lời nói sau cùng, Hoàng Khương cho rằng đã phạm tội vì mục đích tác nghiệp, nếu đúng như vậy, bị cáo đã sử dụng biện pháp tiêu cực để đưa nhiều người khác (trong đó có em vợ mình) vào việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
 
Do đó không có cơ sở cho rằng bị cáo không phạm tội. Các bị cáo Khương, Tuấn, Đông Anh, Trần Minh Hòa đưa tiền để tác động người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc có lợi cho người mà các bị cáo quan tâm nên đã phạm tội “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Huỳnh Minh Đức lạm dụng chức vụ quyền hạn 2 lần thỏa thuận nhận tiền của người đưa hối lộ để làm một việc thuộc trách nhiệm của mình, của đồng nghiệp mình nhằm thỏa mãn theo nhu cầu của người đưa hối lộ nên đã phạm tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Tôn Thất Hòa đã làm trung gian giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ, trực tiếp tiếp xúc với người đưa và nhận để thỏa thuận số tiền nhận hối lộ, cầm tiền của người đưa chuyển cho người nhận hối lộ.

Diễn biến vụ án

Theo cáo trạng, khuya 23-6-2011, trên địa bàn quận Bình Thạnh-TPHCM xảy ra một vụ tai nạn giữa xe đầu kéo và xe du lịch, Huỳnh Minh Đức được phân công giải quyết vụ tai nạn. Vì biết Tôn Thất Hòa quen biết nhiều cán bộ CSGT, Trần Anh Tuấn (chủ xe đầu kéo) nhờ Hòa giúp đỡ. Trong vụ này, Tuấn đã nhờ Hòa móc nối và đưa cho Đức 3 triệu đồng để lấy xe ra.

Hoàng Khương nắm được quan hệ giữa Tôn Thất Hòa với Huỳnh Minh Đức trong việc trả xe trái phép cho Tuấn, nên đã liên kết với Tôn Thất Hòa chủ động gợi ý, nhờ vả và trực tiếp đưa hối lộ 15 triệu đồng (nguồn tiền do Trần Minh Hòa giao cho Đông Anh) cho Đức để lấy xe vi phạm cho Trần Minh Hòa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo