Mới đây, chị G.H (ngụ TP HCM) đã chia sẻ vụ việc một kẻ xấu gọi điện đến nhà chị đề nghị chuyển tiền giữ chỗ tiêm vắc-xin Covid-19. Theo chị H., kẻ gian gọi vào điện thoại bàn và mẹ chị nghe máy. Ðầu dây bên kia đề nghị cụ bà đặt cọc tiền tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 với giá 5 triệu đồng. Vì hơi bất ngờ và không biết giải quyết làm sao, bà cụ gọi chị H. xuống nghe máy.
Ðủ kiểu lừa
"Người gọi điện giới thiệu là đại diện của viện nghiên cứu vắc- xin quốc gia, trực thuộc cơ quan y tế thế giới, bảo là hộ gia đình tôi được chọn thí điểm chích ngừa vắc-xin của Nga. Nghe vậy, tôi hỏi tiêu chí gì để được chọn chích thí điểm thì bên kia giải thích là có lịch sử test dương tính, đi từ vùng dịch tễ về, có yêu cầu bị cách ly bắt buộc trong đợt dịch lần 1" - chị H. chia sẻ.
Nghe đến đây, chị H. thấy "sai sai" nên tiếp tục hỏi lấy danh sách gia đình chị ở đâu thì người gọi điện khẳng định cơ quan y tế phường cung cấp. Sau đó, kẻ gian yêu cầu nộp 5 triệu đồng mỗi người và cung cấp số tài khoản ngân hàng. Do cảnh giác với các chiêu lừa đảo tương tự, chị H. đã giả vờ đọc sai số tài khoản, kẻ lừa đảo khẳng định số tài khoản chị đọc không đúng rồi hét lên chửi bới chị H.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã lựa chọn mua hàng qua mạng để hạn chế ra ngoài, tiếp xúc nhiều người và đây cũng lại là cơ hội cho những kẻ gian.
Câu chuyện của chị Ngọc Anh (ngụ quận 10, TP HCM) là điển hình. Do chị Ngọc Anh rất thích các mẫu vải của một cửa hàng online có địa chỉ ở Bến Lức, Long An. Mỗi khi chủ cửa hàng livestream bán hàng thì chị Ngọc Anh vào xem và ngày 4-8 chị để số điện thoại bên dưới để chủ cửa hàng liên lạc "chốt đơn". Sáng hôm sau, chị Ngọc Anh nhận được tin nhắn trong Zalo có lời mời kết bạn với hình đại diện là cửa hàng vải mà chị đặt mua từ tối qua. Người này giới thiệu là shop Y.T. đọc đúng số lượng, mẫu mã chị đã đặt (thực ra kẻ gian ghi lại số liệu mà người mua ghi bên dưới). Sau đó, kẻ gian cho số tài khoản, đề nghị chị Ngọc Anh chuyển tiền trước và sẽ giao hàng sau. Nghĩ số tiền không lớn nên chị đã chuyển khoản không quên kèm theo lời nhắn gửi đúng địa chỉ và đúng thời gian chị có ở nhà. Một tuần trôi qua, chị Ngọc Anh không thấy giao hàng nên gọi điện thì chủ shop nói chị đã bị lừa đảo vì cửa hàng chỉ nhận tiền khi giao hàng cho khách.
Cũng trong mùa dịch Covid-19, các trang Facebook và mạng xã hội "nở rộ" việc mạo danh cơ quan nhà nước để lừa đảo công nhân bán sổ bảo hiểm xã hội rồi chiếm đoạt tài sản. Ðiển hình, chị N.T.H (ngụ Bình Dương) là công nhân và đóng BHXH được 3 năm. Chị thấy trên mạng rao thu mua sổ nên đã liên hệ và được định giá sổ BHXH của chị sẽ bán được 20 triệu đồng. Tuy nhiên, muốn bán được giá này phải đóng 2 triệu đồng tiền phí. Sau khi chuyển phí thì người mua chặn Facebook và cắt liên lạc với nạn nhân.
Thông tin cảnh giác lừa chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ tiêm vắc-xin Covid-19
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Trước những cuộc gọi với mục đích chiếm đoạt tài sản, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phát đi thông báo cảnh báo về tình trạng bùng phát cuộc gọi mạo danh để lừa đảo.
Bên cạnh các cuộc gọi với đầu số quốc tế, số lạ, theo VNPT, một hình thức lừa đảo nữa là mạo danh các cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản. Kịch bản quen thuộc của tội phạm là gọi điện nhắn tin mạo danh công an, viện kiểm sát dọa nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà.
VNPT khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Ðối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng, bưu điện thông báo có quà, chuyển tiền đặt chỗ vắc-xin thì tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Khi gặp sự việc, trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát Hình sự (C02) để được hướng dẫn kịp thời.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM - nói mặc dù các cơ quan truyền thông liên tục thông tin những vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội nhưng vẫn có rất nhiều người trở thành bị hại, bởi hành vi của kẻ gian ngày càng tinh vi. "Ngày nay, nhiều trang Facebook lập ra các trò chơi trúng thưởng, trúng xe SH, trúng vàng làm mồi nhử yêu cầu bị hại để lại số điện thoại. Từ số điện thoại này, kẻ gian có thể dùng nhiều cách để có được những thông tin khác của bị hại như số nhà, tài khoản ngân hàng và sau đó thực hiện hành vi lừa đảo. Phải cẩn thận khi tham gia mạng xã hội. Khi có người gọi điện yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân hoặc đề nghị chuyển khoản thì không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo, đồng thời thông báo ngay cho công an, ngân hàng, cơ quan bưu chính viễn thông" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.
Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, lưu ý người tiêu dùng cần cẩn thận với các giao dịch trên mạng xã hội và phải biết rõ người mình giao dịch là ai, ở đâu. "Khi có người gọi điện cho mình hứa hẹn tặng một món quà hoặc xưng là người này, người kia thì mình cần bình tĩnh từ chối, không nên hoảng hốt cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản để mất cả gia tài mà cả đời dành dụm" - bà Thu nhắc.
Thời gian qua, rất nhiều nạn nhân đến hội nhờ can thiệp vì bị lừa đảo qua mạng xã hội. Ðối với những trường hợp này, hội thường hướng dẫn nạn nhân đến công an trình báo, làm đơn tố giác tội phạm".
Bà PHAN THỊ VIỆT THU - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM
Bình luận (0)