Cáo trạng cáo buộc các bị cáo trong vụ án Đề án 112, đứng đầu là bị cáo Vũ Đình Thuần không lập kế hoạch đấu thầu, không chỉ đạo xây dựng hồ sơ thầu, không tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật, việc chỉ định thầu không có giá gói thầu được phê duyệt, dùng thủ đoạn chia dự án thành nhiều hợp đồng nhỏ để tránh đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,65 tỉ đồng.
“Có bao giờ lãnh đạo Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù không?”. Trả lời câu hỏi này của luật sư, bị cáo Thuần nói do chưa có luật nên chính ông đã họp với Ban Điều hành Đề án 112 và thấy rất khó khăn nên đã ký công văn vào cuối năm 2002, đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho áp dụng ký hợp đồng khoán gọn với các bộ, địa phương, ban chịu trách nhiệm về công nghệ và sẽ chuyển kinh phí cho các bộ, địa phương.
Bị cáo Thuần biện hộ: “Bộ Tài chính không trả lời được nên chúng tôi phải chủ động xử lý”. Bị cáo này cũng khẳng định khi ký 28 hợp đồng xuất bản sách với NXB Tư pháp đã áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu chào hàng cạnh tranh đúng quy định pháp luật và không gặp bất kỳ đại diện nào của các công ty để bàn việc hợp đồng, ăn chia.
Chuyển sang phần các bị cáo “ăn theo” Đề án 112, bị cáo Ngô Thị Nhâm (phó Phòng Kinh doanh Tổng Công ty Sách) khai: Từ kinh nghiệm khai thác thị trường, biết Đề án 112 đang triển khai sẽ có đào tạo nên tìm ông Lương Cao Sơn, nguyên thư ký Ban Điều hành Đề án 112, để hỏi việc in sách giáo trình, ông Sơn khẳng định là có. Sau đó, chính bà Nhâm đã đảm trách việc chuyển lại 30% “chiết khấu” cho ông Sơn và cho rằng việc này không có gì sai. Nguyên kế toán trưởng, bị cáo Lưu Ý Nhi, cũng khai: “Nhận thức của tôi phát hành phí hay chiết khấu là “chuyện bình thường trong ngành”.”
“Ban Điều hành Đề án 112 không phải đơn vị phát hành nên không thể nhận chiết khấu, đúng không?” - HĐXX hỏi lại. Bị cáo Nhâm cho rằng khoản chiết khấu 30% do bị cáo tự đặt ra và đề xuất với cấp trên vì việc tìm nguồn hàng rất khó khăn.
HĐXX công bố thêm lời khai của bị cáo Đặng Quang Hưng (SN 1980), nguyên chủ nhà sách Hưng Dân - một trong các cơ sở nhận in lại sách cho Tổng Công ty Sách: Khi thỏa thuận in sách nói giá là 3.312 đồng/cuốn. Nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Sách, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, bảo cứ nâng lên 8.200 đồng/cuốn để chi phí.
Bị cáo Đặng Thị Hiền (chị của Hưng) khai thêm: “Cô Hoa đưa 3 hợp đồng trị giá 405 triệu đồng, in hết khoảng hơn 200 triệu đồng”. Hiền đã đưa lại cho Hoa hơn 200 triệu đồng. Song, chỉ khi biết là sách của Chính phủ thì bị cáo mới biết là sai.
Tại sao việc in sách này không thông qua đấu thầu? Trả lời, bị cáo Thuần cho rằng theo cách hiểu của ông, chào hàng cạnh tranh là một trong 7 hình thức lựa chọn thầu theo Nghị định 88. “Nhiều hợp đồng không chào hàng cạnh tranh, là xé nhỏ hợp đồng ra cho vừa hình thức lựa chọn, đúng không?” – HĐXX hỏi tiếp. Bị cáo Thuần nói việc in ấn giáo trình căn cứ vào nhu cầu đào tạo chứ không xé lẻ hợp đồng.
Đến phần thẩm vấn hai bị cáo là em trai Lương Cao Sơn gồm Lương Cao Phi (nguyên cán bộ NXB Xây dựng – Bộ Xây dựng) và Lương Cao Phong (nguyên giám đốc Trung tâm Thẩm định và tư vấn công nghệ thông tin – Bộ Xây dựng), cả hai đều phủ nhận việc lợi dụng vị trí của mình để giúp doanh nghiệp ký được các hợp đồng với Đề án 112.
“Nếu không có bị cáo môi giới thì có ký được hợp đồng không?”. Trả lời HĐXX, Phi nói không khẳng định được.
Hôm nay 15-1, phiên tòa tiếp tục.
Bình luận (0)