Hôm qua (24-9), TAND TPHCM đưa vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây TPHCM (gọi tắt là Ban Quản lý - BQL) ra xét xử. Ngoài hai bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở GTCC TPHCM kiêm giám đốc BQL) và Lê Quả (nguyên phó giám đốc BQL), vụ án này còn có 87 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Lập “quỹ đen” để chia nhau
Ngày 26-9-2000, UBND TPHCM ra quyết định bổ nhiệm ông Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở GTCC TPHCM, giữ chức giám đốc BQL; ông Lê Quả làm phó giám đốc thường trực BQL. Tiếp đó, UBND TP quyết định giao căn nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu, quận 3 (do Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP quản lý) cho BQL thuê làm trụ sở làm việc (ban đầu 1,7 triệu đồng/tháng, từ tháng 6-2005 tăng lên 2,9 triệu đồng/tháng). Tiền thuê nhà được lấy từ chi phí của BQL do UBND TPHCM cấp.
Hai bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (áo trắng) và Lê Quả tại tòa ngày 24-9. Ảnh: T. THẠNH
Khoảng tháng 5-2001, sau khi Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản (PCI) trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế đại lộ Đông Tây TPHCM, đại diện PCI đến đặt vấn đề với ông Lê Quả về việc thuê phòng làm việc tại nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu.
Từ tháng 8-2001 đến tháng 12-2002, ông Sĩ và ông Quả đã cho PCI thuê phòng làm việc, thu 80.000 USD (tương đương 1,2 tỉ đồng). Số tiền này được BQL để ngoài sổ sách và chia cho cán bộ, nhân viên của ban, trong đó ông Sĩ được 52 triệu đồng, ông Quả 53 triệu đồng (làm tròn số)...
Cấp trên đổ tội cho cấp dưới
Tại tòa, bị cáo Lê Quả thừa nhận chính ông là người ký biên bản thỏa thuận cho thuê nhà với đại diện PCI, cũng là người nhận tiền và ký nhận các chứng từ trả tiền của PCI. Mọi việc ông đều báo cáo, xin ý kiến ông Huỳnh Ngọc Sĩ.
Qua bàn bạc, ông Sĩ đồng ý chủ trương cho PCI thuê phòng và giao ông Quả thực hiện. Ông Quả có báo cáo lại nội dung này tại cuộc họp giao ban lãnh đạo và họp chi bộ BQL. Sau khi PCI trả tiền thuê phòng, ông Quả báo cáo với ông Sĩ và được chỉ đạo (miệng) giữ lại một phần (350 triệu đồng) để chi nội bộ, phần lớn chi bồi dưỡng cho anh em trong ban. Bị cáo Quả thừa nhận việc cho PCI thuê phòng là sai và ông nhận trách nhiệm.
Ngược lại, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng do ông thường xuyên làm việc ở Sở GTCC, ít khi ghé qua BQL nên ông không hề bàn bạc, chỉ đạo ông Quả cho PCI thuê phòng cũng như chia tiền. Đến cuối năm 2001, ông mới phát hiện việc này và đã yêu cầu ông Quả không cho nhân viên PCI tiếp tục làm việc ở đó nữa nhưng ông Quả nói rằng việc cho thuê có lợi cho ban nên vì “thiếu cương quyết, thiếu trách nhiệm”, ông Sĩ đã “buông”.
Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây là đơn vị sự nghiệp kinh tế, đại diện cho UBND TPHCM làm chủ đầu tư dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP với tổng dự toán 14.026 tỉ đồng, trong đó vốn ODA vay của Nhật Bản 9.606,98 tỉ đồng, vốn đối ứng của VN 4.419,02 tỉ đồng. |
Đề nghị mức án 5-6 năm tù cho mỗi bị cáo
Sau khi đại diện VKSND TPHCM (được VKSND Tối cao ủy quyền giữ quyền công tố tại phiên tòa) đề nghị mức án 5-6 năm tù cho mỗi bị cáo về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đồng thời đề nghị “HĐXX cân nhắc, xem xét về việc bị cáo Sĩ thừa nhận có sai phạm nhưng chỉ là do thiếu trách nhiệm”, luật sư bào chữa cho bị cáo Sĩ cho rằng việc cho PCI thuê nhà không gây thiệt hại gì cho Nhà nước, hơn nữa việc cho thuê nhà như thế là khá phổ biến nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Vì vậy, theo luật sư này, việc truy tố bị cáo Sĩ tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không có cơ sở.
Hôm nay (25-9), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Bình luận (0)