Theo cáo trạng: Dù biết là tòa nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu, quận 3 là do UBND TPHCM giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà TP cho Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây thuê làm trụ sở nhưng ông Lê Quả và ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã cho công ty PCI (Nhật Bản) thuê để một phần nhân viên PCI làm việc tại đây, với giá tiền là 2.500 USD/tháng. Tuy nhiên, thực chất công ty PCI đã trả tiền thuê là 5.000 USD/tháng, trong 16 tháng (từ tháng 8/2001 đến tháng 11/2002) đã trả tổng tiền thuê là 80.000 USD, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng.
Khi nhận số tiền từ PCI ông Lê Quả đã không nhập vào quỹ của BQL dự án mà tự quản lý để chi tiêu, trái với quy định của nhà nước. Cụ thể ông Quả đã giao cho bà Chu Thị Mai, nhân viên phòng hành chánh tổng cộng 849.577.500 đồng chia cho cán bộ. Ông Sĩ và ông Quả đã thống nhất giữ lại 350.000.000 để chi cho giao dịch. Số tiền được giao bà Mai chi 35.727.500 đồng để sửa chữa, điện thoại, liên hoan và duyệt chi cho 87 người số tiền 813.850.000 đồng, trong đó ông Sĩ nhận 52.250.000 đồng và ông Quả nhận 53.900.000 đồng.
Ngay sau khi đọc bản cáo trạng, khi được chủ tọa hỏi có đúng với sự việc diễn ra, ông Quả đã "kêu" mức án đó là quá nặng so với tội của mình.
Ông Quả thừa nhận tại tòa ông biết căn nhà này là do UBND TP giao cho công ty kinh doanh nhà TP quản lý và cho ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây thuê lại với mức giá 2.000.000 đồng/tháng. Ban quản lý dự án được cấp tiền để hoạt động, trong đó có khoản tiền thuê nhà. Tuy nhiên ông Quả cho rằng mức tiền thuê bên PCI không phải đều đặn là 5.000 USD /tháng mà có tháng chưa đến số này.
Ông Quả biện hộ cho việc tự quản lý để chi tiêu là do muốn hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên. Riêng việc ông giữ lại số tiền 350.000.000 đồng để ngoại giao, tiếp khách mà không nhập vào quỹ chung là do có một số khoản tiếp khách nhưng không có hóa đơn chứng từ nên cần thiết phải giữ riêng.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, đại diện Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP cho biết BQL dự án được hưởng ưu đãi của TP, tiền thuê tính theo từng thời điểm quy định về giá nhà đất cho thuê của Nhà nước. Theo HĐ 1 tiền thuê là 1.725.000 đồng/tháng, HĐ 2 là 1.870.340 đồng/tháng đến tháng 6-2005 là 2.979.246 đồng/tháng. Bên đơn vị của bà có kiểm tra về tình trạng cho thuê nhà nhưng không phát hiện được do đơn vị không khai báo, bên thuê PCI không ghi bảng hiệu.
Ông Sĩ khai rằng cuối năm 2001 có biết việc công ty PCI thuê nhà. Tuy nhiên ông “không đồng ý cho PCI thuê nhà”, thiếu kiên quyết không cho ông Quả cho PCI thuê nhà. Khi nghe chủ tọa hỏi nếu không được quyền của giám đốc dự án thì liệu một đơn vị bên ngoài có thể vào làm việc tại cơ quan mình hay không, lúc này ông Sĩ mới thừa nhận là không.
Ông Sĩ khai “Không biết khoản tiền mình nhận chỉ khi cơ quan điều tra đưa ra chứng từ mới biết (!). Ông Sĩ không thừa nhận mình chỉ đạo ông Quả cho thuê nhà dù có tham gia các cuộc họp giao ban, trong đó có cuộc họp bàn về việc cho PCI thuê nhà. Sau khi trả lời quanh co các câu hỏi của vị chủ tọa, ông Sĩ chỉ nhận tội mình là thiếu tinh thần trách nhiệm.
Ông Sĩ biện giải cho rằng mình không biết tiền ký nhận là tiền cho thuê nhà, tiền nhận từ những lần ký nhận từ bà Mai là tiền thưởng, dù khi hội thẩm nhân dân hỏi từ lúc thuê nhà, PCI đã hoàn thành xong dự án chưa mà được thưởng, ông Sĩ bảo không. Nhưng ông chống chế cho rằng tiền thưởng này là một năm được thưởng 2 tháng lương, rải đều trong các tháng nên ông ký.
Theo bà Mai khi đưa tiền lần đầu cho ông Sĩ bà có nói về nguồn gốc số tiền đó, lúc đầu ông Sĩ không ký nhưng khi bà Mai bảo “anh không ký thì em làm sao chứng minh được là đã đưa số tiền đó cho mọi người” thì ông Sĩ đã ký.
Ông Quả cho rằng ông muốn tạo điều kiện để cho anh em trong công ty giỏi nghiệp vụ, ổn định về cuộc sống nên tạo cho anh em một nguồn thu. Mặt khác việc cho thuê nhà cũng là tạo điều kiện cho anh em học hỏi được kinh nghiệm của PCI, nâng cao trình độ quản lý, giao tiếp tiếng Anh, đảm bảo cho kịp tiến độ dự án.
Khi được đại diện viện kiểm sát hỏi tại sao không biết việc cho thuê lại nhận tiền hàng tháng, ông Sĩ khai có chỉ đạo cho ông Quả ngưng việc cho thuê nhưng không cương quyết là do... ngại?! Ông cũng không vụ lợi gì vì ông được nhận tiền như những cán bộ, cá nhân khác.
Chiều nay, lúc 14 giờ, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân cho rằng “Hành vi có tính chất tác động qua lại lẫn nhau làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của nhà nước” và đề nghị mức án. 5-6 năm tù cho cả 2 bị cáo.
Luât sư bào chữa cho ông Sĩ cho rằng muốn tranh luận với đại diện VKS về phần luận tội của hai bị can và cho rằng cầm xem lại hành vi phạm tội của ông Sĩ. Theo luật sư, thực trạng sử dụng đất công lãng phí là tình hình chung, là căn bệnh trầm kha của TP thì việc chỉ cho thuê vài phòng “là nhỏ bé, không đáng” dù đó là sai phạm. Ngoài ra, do chưa có quy chế rõ ràng phân định trách nhiệm nên lãnh đạo ban quản lý dự án chỉ làm theo như những gì người tiền nhiệm đã làm. Không chỉ vậy, việc cho thuê là cho đối tác thuê cũng là để bên Ban quản lý Dự án học hỏi cũng đồng thời giám sát dự án mà đối tác đang thực hiện, không gây thiệt hại gì cho nhà nước. Một điểm quan trọng khác, theo luật sư, tại tòa chỉ nghe lời khai của bà Mai và ông Quả mà không có chứng cứ cụ thể nói rõ việc ông Sĩ chỉ đạo cho ông Quả cho PCI thuê. Luật sư cũng cho rằng việc ông Sĩ kiêm nhiệm quá nhiều việc nên không thể theo dõi sâu sát cấp dưới.
Sáng mai, ngày 25-9, tòa án sẽ tiếp tục phiên xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ và ông Lê Quả.
----------
Theo ghi nhận ban đầu của phóng viên NLĐO sáng 24-9, phiên tòa thu hút rất đông phóng viên của các báo đài tại TPHCM. Ngoài ra còn có một số phóng viên Nhật bản đến đưa tin. Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập lên đến hơn 100 người nên bên trong phòng xử khá đông đúc.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ bị áp giải đến tòa sáng 24-9 (Ảnh: Q.Thắng)
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, sau khi trúng gói thầu tư vấn thiết kế đại lộ Đông Tây, đại diện Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã đặt vấn đề với ông Lê Quả về việc thuê trụ sở của Ban Quản lý dự án (BQLDA) tại số 3 đường Nguyễn Thị Diệu (phường 6, quận 3, TPHCM) và được ông Huỳnh Ngọc Sĩ chấp thuận.
Trong vòng 16 tháng (từ tháng 8-2001 đến tháng 11-2002), PCI đã trả tiền thuê trụ sở tổng cộng 80.000 USD. Tuy nhiên, BQLDA không nhập số tiền này vào sổ sách kế toán theo quy định mà tự chia với nhau. Có đến 87 người trong BQLDA được chia trên 813 triệu đồng. Riêng ông Quả được chia 53,9 triệu đồng, ông Sĩ được chia 52,250 triệu đồng.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Đức Sáu - Chánh Toà hình sự TAND TPHCM (Ảnh: Q.Thắng)
Hai bị cáo Lê Quả và Huỳnh Ngọc Sĩ (áo trắng) tại phiên tòa sáng 24-9 (Ảnh: Q.Thắng)
Tất cả các nhân viên được chia tiền khác sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do không tham gia bàn bạc và đã khai báo thành khẩn cũng như nộp lại tiền khắc phục hậu quả. Những nhân viên này sẽ bị triệu tập tại tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, ông Sĩ đã bị VKSND tối cao ra quyết định khởi tố với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ Luật Hình sự. Với tội danh này, người phạm tội sẽ bị “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1- 5 năm”; chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ 3 năm và cao nhất là 10-15 năm tù; mức xử phạt hành chính từ 3-30 triệu đồng.
Khoảng hơn 10 giờ sáng 24-9, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi bị cáo Lê Quả. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Lê Quả có thể lãnh mức án từ 5-10 năm tù. Ngay sau khi chủ tọa Nguyễn Đức Sáu hỏi có đúng tội không, bị cáo Quả liền đứng dậy than rằng mức án như vậy là quá nặng so với tội bị cáo.
Bị cáo Lê Quả (Ảnh: Q.Thắng)
Bị cáo Quả thừa nhận biết việc khu nhà tại số 3, đường Nguyễn Thị Diệu (phường 6, quận 3, TPHCM) là do UBND TPHCM giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM quản lý và cho BQLDA Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM thuê lại với giá 2 triệu đồng/tháng. Bị cáo cũng biết việc BQLDA được cấp tiền hoạt động, trong đó bao gồm cả khoản tiền thuê nhà hàng tháng.
Lý giải việc giữ lại khoản tiền thuê nhà mà PCI trả, bị cáo Quả cho rằng làm vậy để hỗ trợ thêm cho đời sống cán bộ. Ngoài ra, còn khoảng 300 triệu đồng không đem chia, mà giữ lại để hai bị cáo Sĩ và Quả tiếp khách vì có những khoản chi phí không có hóa đơn chứng từ.
Có hơn 100 người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập (Ảnh: Q.Thắng)
Phiên tòa thu hút rất đông giới báo chí (Ảnh: Q.Thắng)
Một phóng viên Nhật (trái) tại phiên tòa (Ảnh: Q.Thắng)
Sau khi tạm nghỉ, tòa sẽ xét hỏi đến bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ.
Phiên tòa do ông Nguyễn Đức Sáu - Chánh Toà hình sự TAND TPHCM - làm Chủ tọa. 4 luật sư bào chữa đều thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, trong đó hai luật sư Phan Trung Hoài và Phạm Danh Tín bào chữa cho ông Sĩ; còn luật sư Lê Nhân Kiệt và Nguyễn Đình Khỏe bào chữa cho ông Quả.
Tiếp tục cập nhật
Bình luận (0)