Theo bản án phúc thẩm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, muốn trúng thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai nên gặp, nhờ bị cáo Trần Đình Thành, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, giúp đỡ. Thông qua ông Thành, bị cáo Nhàn và người trong AIC tiếp xúc với các lãnh đạo khác của tỉnh Đồng Nai như cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ…
Các bị cáo tại phiên tòa cấp phúc thẩm
Được nhóm trên tạo điều kiện, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban trong Công ty AIC móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công một số công ty làm "quân xanh, quân đỏ" trong quá trình đấu thầu. Qua đó, Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai với giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại 152 tỉ đồng. Sau đó, nhóm AIC hối lộ ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái mỗi người 14,5 tỉ đồng; Vũ 14,8 tỉ đồng.
Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định có vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Tại cấp phúc thẩm, bị cáo chưa thể hiện thái độ tích cực trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, đồng thời bị cáo cũng không xuất trình thêm tài liệu mới để xem xét. Qua đó, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nga, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư, được giao trách nhiệm quản lý Dự án theo quy định của pháp luật, nhưng tiếp nhận sự chỉ đạo của Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái bàn bạc, thống nhất tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu Tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Bị cáo còn trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi thông thầu giúp cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước và nhận tiền từ AIC.
Trước khi diễn ra phiên toà, bị cáo Vũ đã nộp lại toàn bộ 14,8 tỉ đồng nhận hối lộ của AIC và giai đoạn phúc thẩm đã khắc phục thêm 500 triệu đồng. Bị cáo được nhiều người dân, bác sĩ, bệnh nhân và cán bộ tỉnh Đồng Nai viết đơn xin giảm nhẹ vì những cống hiến cho y tế địa phương.
Do đó, Tòa chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Phan Huy Anh Vũ cùng một số bị cáo về phần hình phạt, sửa bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo.
TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 7 năm tù (án sơ thẩm 10 năm tù) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho 2 tội là 16 năm tù.
Bị cáo Vũ Quang Ngọc, cựu phó giám đốc Công ty Mediconsult, 3 năm tù (án sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Cùng tội danh, bị cáo Lê Chí Tuân, nhân viên AIC, lĩnh 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù); bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tạ Thiên Ân, 30 tháng tù (án sơ thẩm 30 tháng tù) nhưng cho hưởng án treo; xử phạt bị cáo Lê Thị Hương, Phó ban kế toán AIC, 36 tháng tù (án sơ thẩm 30 tháng tù) tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Trong vụ án này, 8 người bỏ trốn, trong đó có cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà được các luật sư kháng cáo thay. Tuy nhiên, ở phần thủ tục, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng cáo của những người bào chữa.
Về dân sự, Hội đồng xét xử xác định sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỉ đồng. Trong vụ án, cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 2 cựu phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà, Hoàng Thị Thúy Nga giữ vai trò cao nhất.
Do đó, tòa phúc thẩm thấy cấp sơ thẩm buộc bị cáo Nhàn bồi thường hơn 103 tỉ đồng, các bị cáo Nga, Hà và Công ty AIC bồi thường 15 tỉ đồng mỗi bên, là phù hợp. Do đó, tòa không chấp nhận đề nghị của Công ty AIC về việc sẽ thay các bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án.
Bình luận (0)