Hôm ấy, TAND huyện Bình Chánh (TP HCM) mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa đôi vợ chồng đã sống với nhau 21 năm và có chung một cô con gái.
Câu chuyện của người chồng
Mở đầu phiên xét xử, nguyên đơn N.T.H (SN 1961) khẳng định giữ nguyên ý định ly hôn. Theo ông H., dù đã ở cái tuổi không còn trẻ nhưng ông vẫn muốn được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc này.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu trình bày rõ hơn, ông H. nói: "Tôi trầm uất vì bị vợ coi thường. Cách đây hơn 10 năm, tôi là nhân viên của một xưởng đóng tàu lớn, thu nhập khá. Sau ngày công ty giải thể, tôi thất nghiệp, chuyển sang làm bảo vệ, lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Từ đó, tôi cảm thấy bà ấy ngày càng xem thường tôi. Đến con gái cũng không còn nghe lời tôi. Tôi chấp nhận nín nhịn để con được lớn lên có cha, khi con đủ 18 tuổi, tôi sẽ rời đi. Hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi đã không ăn chung, ngủ chung, thậm chí không nói chuyện với nhau".
Minh họa: KHỀU
Câu chuyện khiến người dự khán có chút ngỡ ngàng. Vị chủ tọa hỏi: "Thời gian đó, ông có sống chung nhà với vợ không?". "Thưa, vẫn sống chung nhà"- người chồng đáp. "Vợ chồng sống chung nhà, vẫn không nói chuyện với nhau trong suốt hơn 10 năm?" - chủ tọa hỏi.
Vẫn vẻ từ tốn, người chồng kể mỗi chiều tan ca, ông không về thẳng nhà mà la cà khắp nơi, chỉ đến khi quán đóng cửa, bạn bè cũng không ngồi tiếp chuyện được nữa, ông mới về. Chủ tọa hỏi: "Vì sao ông không về nhà?". Ông H. đáp: "Từ lâu, tôi không còn xem đó là nhà mà chỉ là chỗ để ngả lưng mỗi đêm. Vì vậy tôi chỉ về khi vợ con đã ngủ".
Vị chủ tọa lại hỏi tiếp: "Vợ ông đã xem thường ông thế nào?". Ông im lặng một hồi rồi nói trong gia đình, ông không được quyết định chuyện gì. Vợ chồng ông cưới nhau qua mai mối. Hai nhà nội - ngoại ở cách nhau 500 m nhưng kể cả lễ, Tết, vợ ông cũng không ghé qua. Có lần chị gái ông lên TP HCM chơi phải ngủ ngoài hiên nhà vì không khí gia đình ông quá ngột ngạt. Người chồng nói tới đây, nước mắt rơi lã chã.
Lời hứa từ người vợ
Tòa cho phép người vợ được trình bày. Bị đơn L.S.C (SN 1964) tháo đôi kính lão, đứng lên khẩn thiết: "Không! Tôi không đồng ý ly hôn. Tôi mong tòa cho vợ chồng tôi một cơ hội gặp nhau để làm rõ mọi chuyện. Chồng tôi vốn hiền lành, kiệm lời. Trước đây, anh chưa từng nói với tôi những khúc mắc trong lòng. Những chuyện anh bộc bạch ở tòa hôm nay thật sự làm tôi bất ngờ".
Theo thủ tục, trước khi diễn ra phiên xét xử, họ được mời đến để hòa giải nhưng người vợ cho biết những lần ấy, ông H. đều không đến. "Nhiều lần con gái mong được gặp cha nhưng gọi điện, nhắn tin, anh đều không hồi đáp. Tôi biết chồng tôi còn rất thương vợ, thương con, mong tòa xem xét cho gia đình tôi được hàn gắn" - bà C. lập lại nguyện vọng của mình.
Tòa hỏi bà có biết về khoảng thời gian dài chồng thường về trễ không? Bà C. đính chính thỉnh thoảng ông mới về trễ nhưng bà nghĩ vì công việc của chồng quá bận rộn. Bà là một tiểu thương người Việt gốc Hoa, hằng ngày đều ra khỏi nhà từ lúc mờ sáng, đến khi về nhà thì đã mệt lả. Nhiều đêm thức giấc, bà thấy chồng cặm cụi giặt quần áo, chuyện trước kia do bà làm, nhưng hỏi đến, ông chỉ lắc hay gật đầu.
Bà tự đánh giá mình là người lanh lẹ về lời ăn tiếng nói, thường xử lý công việc rất nhanh nên đôi khi không thông qua ý kiến của chồng. Mọi việc bà làm đều vì lợi ích của gia đình và đinh ninh chồng luôn đứng sau ủng hộ.
"Nếu gia đình được hàn gắn, tôi hứa sẽ khắc phục những khuyết điểm của mình, không để mâu thuẫn kéo dài gây tổn thương cho các thành viên trong gia đình" - một lần nữa, bà lại khẩn thiết nêu nguyện vọng.
Nghe xong câu chuyện của họ, vị chủ tọa nói giá như ông bà sớm nhận ra những thay đổi của bạn đời để lắng nghe, chia sẻ, tìm ra nguyên nhân sự việc thì có lẽ không có đổ vỡ như hôm nay. Phiên tòa khép lại bằng bản án chấp thuận yêu cầu được ly hôn của nguyên đơn. Người vợ và cô con gái nán lại bên luật sư bàn về thủ tục kháng cáo trong khi người chồng vội vã rời đi. Từ đây, họ chính thức không còn là vợ chồng.
Lo không ai chăm sóc cha
Trong phiên tòa hôm ấy, cô con gái đã gửi đến HĐXX một bức thư thỉnh cầu gia đình được đoàn tụ với những lý lẽ mà cô tin rằng, khi nghe được, cha cô sẽ thay đổi ý định trước đó. Trong thư có đoạn: "Mẹ con là người sống hết lòng vì chồng, vì con. Từ nhỏ đến nay, con chưa từng thấy mẹ sắm sửa gì cho riêng mình. Suốt ngày chỉ quần quật buôn bán để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc cha nộp đơn khởi kiện ly hôn là một cú sốc tâm lý lớn đối với con, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập cũng như tâm lý của một người đang chuẩn bị tiến vào cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh đó, việc cha mẹ ly hôn có thể làm cho gia đình chồng tương lai của con có cái nhìn thiếu thiện cảm về gia đình và cả con. Hơn thế nữa, cha con thường xuyên đau ốm. Nếu cha mẹ con ly hôn thì không ai chăm sóc cha".
Bình luận (0)