Rời quê lên TP HCM làm thuê, Nguyễn Trường Thụy (SN 1990, ngụ tỉnh Tiền Giang) lập gia đình rồi ở trọ gần nhà cha mẹ vợ tại huyện Củ Chi (TP HCM). Nhiều năm về trước, Thụy từng đi tù về tội "Gây rối trật tự công cộng" nhưng với gia đình vợ, Thụy là chàng rể hiếu thảo, giỏi giang, không ngại gian khổ, dầm mưa dãi nắng để lo cho gia đình.
Một phút nóng giận
Bi kịch bắt đầu từ ngày Thụy mất việc, buồn chán rồi thường xuyên chè chén cùng bạn bè, bỏ mặc những khuyên ngăn của người vợ trẻ. Sinh con chưa được bao lâu, chị Đ.T.N.H (25 tuổi, vợ Thụy) phải đi làm để trang trải cho cuộc sống. Còn Thụy, suốt 1 năm sau đó vẫn không có nghề nghiệp gì. Khi được HĐXX hỏi, chị H. nói không hiểu vì lý do gì mà Thụy vốn rất siêng năng bỗng chốc thành kẻ lười biếng như thế.
Kinh tế gia đình kiệt quệ, đôi vợ chồng trẻ cũng vì thế mà lục đục. Những cuộc cãi vã liên tục xảy ra, nhiều lần phải nhờ tới sự can ngăn của cha mẹ và các em vợ ở gần đấy. Nhưng không ai ngờ án mạng đã xảy ra trong một lần như thế.
Tối hôm đó, chỉ vì Thụy không đồng ý cho vợ ra ngoài mà cả hai đã xảy ra mâu thuẫn. Nhận cuộc gọi báo tin, ông Đ.V.H (cha chị H.) đến và bênh con gái bằng 2 cái tát vào đầu con rể. Thụy lấy con dao tự chế treo trên tường rồi đưa cho ông Đ.V.H, nói: "Ba đánh con đau quá, ba cầm con dao này đâm chết con đi". Ông H. cầm dao vứt xuống nhà, tiếp tục chửi mắng. Thụy cãi lại, ông Đ.V.H tiếp tục đánh Thụy. Lúc này, Thụy cầm dao đâm về phía trước, trúng vào bụng ông. Nhát dao oan nghiệt đã kết thúc cuộc đời bậc sinh thành dưỡng dục vợ Thụy.
Bị cáo Thụy khoanh tay chân thành xin lỗi gia đình vợ khi được nói lời sau cùng
Ân hận cả đời
Khi đại diện VKSND TP HCM đọc cáo trạng, vài lần Thụy lén nhìn về phía sau, rồi giật mình quay đầu lại khi vô tình bắt gặp ánh mắt thẫn thờ, đỏ hoe của những người ngồi ở hàng ghế dự khán - họ vừa là người thân của bị hại, cũng từng là người thân của bị cáo.
Từ ngày ông Đ.V.H mất, vợ ông phải gồng gánh nuôi 2 con ăn học và chăm lo cho cha mẹ chồng. Sự ra đi đột ngột của người đàn ông trụ cột gia đình là nỗi đau quá lớn đối với họ. Nhưng không chỉ khóc cho ông Đ.V.H, họ còn rơi nước mắt cho người con rể tội lỗi.
Đại diện VKSND TP HCM hỏi lý do Thụy không đưa ông Đ.V.H đi cấp cứu. Bị cáo khai khi thấy ông Đ.V.H gục xuống, Thụy chạy đến đỡ ông nhưng bị vợ gạt ra. Liền sau đó Thụy bị trúng một nhát dao do em vợ chém vào bả vai. Tại cơ quan điều tra, bị cáo không yêu cầu giám định thương tích, không yêu cầu xử lý hình sự và cam đoan không khiếu nại về sau.
Trong phần xét hỏi, HĐXX đã nghiêm giọng hỏi Thụy: "Con rể cũng là con, bị cáo phải có bổn phận yêu thương, kính trọng, hiếu thảo với gia đình vợ. Điều này không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là chuẩn mực đạo đức. Con cái bất hiếu chính là nỗi đau lớn nhất của ông bà, cha mẹ. Soi xét lại hành vi của mình, bị cáo thấy có đáng bị lên án, có đáng bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật không?".
Thụy im lặng, rồi đáp lại là tiếng khóc. Các phần thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa đều kết thúc khá nhanh vì bị cáo không biện hộ gì mà nhanh chóng cúi đầu nhận tội, như một cách thể hiện sự ăn năn.
Lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Thụy xin được nói chuyện với gia đình vợ. Gã đàn ông có vẻ ngoài lực lưỡng xoay người về phía sau, khoanh tay một cách nghiêm trang rồi bật khóc thành tiếng. Thái độ và cử chỉ của Thụy gây xúc động đến nỗi cả phòng xét xử đều im lặng chăm chú lắng nghe. "Lãnh án tù, con cũng chưa hết tội. Xin gia đình hãy tha thứ cho con, để lương tâm con được thanh thản phần nào" - bị cáo Thụy nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Giá như...
Phiên tòa khép lại với mức án 18 năm tù dành cho bị cáo Thụy. Dưới nắng trưa gay gắt, Thụy lóng ngóng bước ra khỏi phòng xét xử, rồi bất giác gọi với theo gia đình vợ: "Nội ơi, giữ sức khỏe nghen nội. Mẹ ráng lo cho các em, nuôi giùm con con nghen mẹ". Cánh cửa xe tù đóng sầm lại cũng là lúc nước mắt của gia đình bị hại tiếp tục chảy thành dòng. Giá như tất cả chỉ là giấc chiêm bao để khi tỉnh dậy, họ lại là những người thân trong một gia đình!
Bình luận (0)