Buổi sáng, sau cơn mưa đêm đầu hè tháng 4, trước sân tòa án gia đình và người chưa thành niên (TAND TP HCM) se lạnh, mùi đất ẩm xộc vào mũi. Bên trong phòng xử án, trên hàng ghế chờ, hai người từng chung chăn gối giờ ngồi câm lặng, không một lần quay lại nhìn nhau. Đây là phiên tòa phúc thẩm, được mở theo yêu cầu kháng cáo của người vợ.
Chỉ nghĩ cho mình
Anh là con trai cả của một gia đình gia giáo. Chị là dân tỉnh lẻ. Bỏ qua khoảng cách vùng miền, họ yêu rồi cưới nhau. Thế nhưng, tình yêu ấy tan vỡ chỉ sau 6 năm chung sống.
Minh họa: KHỀU
Trước tòa, chị kể 2 con sinh cách nhau chưa đầy 2 năm, chị phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc, kinh tế gia đình dựa hết vào anh. Nhà chồng đông anh chị em, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, bất đồng quan điểm dạy con… Cứ thế, họ dần "xa nhau". Không biết từ bao giờ, tính tình anh thay đổi, ngay cả quần áo của anh, chị cũng không được đụng tay vào giặt, mọi thứ anh đều nhất nhất nghe theo lời mẹ. Đỉnh điểm khiến giọt nước tràn ly là sau khi xung đột với chồng và mẹ chồng, chị ôm hai con chạy trốn khỏi gia đình chồng. Không cho anh biết địa chỉ với lý do muốn con ổn định tâm lý.
Phiên tòa hôm đó, hai người ngồi cách xa nhau, chia rõ hai chiến tuyến. Hàng ghế phía sau anh là mẹ chồng, bạn bè, người thân của anh. Phía bên kia, chị ngồi một mình với gương mặt tiều tụy, đôi mắt thâm quầng.
Khi tòa bắt đầu phần xét hỏi, cả hai tranh cãi kịch liệt bằng những ngôn từ như những mũi dao sắc nhọn, không biết vô tình hay cố ý, tuôn ra. Những thói hư, tật xấu của nhau được họ liên tục phô bày với kiểu ăn miếng trả miếng nhằm chứng minh mình mới là người thích hợp để nuôi con tốt nhất. Chị nói anh luôn tìm cách chia cắt tình mẹ con; anh miệt thị chị không làm tròn bổn phận làm dâu, làm vợ, nhồi nhét vào đầu con trẻ những tư tưởng xấu về gia đình nội. Nhìn cảnh đó thật khó hình dung được trước đây họ đã một thời gắn bó, sẻ chia, yêu thương nhau tưởng chừng không gì có thể chia cắt.
"Kết hôn là đã có duyên nợ; có những đứa con, cùng nhau tạo ra tài sản thì đó là hạnh phúc. Nhưng anh chị chỉ nhìn về mặt xấu, không cảm nhận và xây dựng được những điều tốt đẹp cho nhau nên hạnh phúc dần đổ vỡ. Hai người chỉ nghĩ đến việc làm sao giành được quyền nuôi con để thỏa mãn cái tôi của mình, anh chị đã từng nghĩ mình sẽ chăm sóc con như thế nào để con không thiệt thòi vì thiếu mẹ hoặc cha hay chưa? Anh nói chị nhồi nhét cái này cho con, chị bảo anh quen thói áp đặt…, chứ cả hai chưa đưa ra được giải pháp đúng đắn nào để nuôi dạy con tốt" - vị thẩm phán phân tích.
Cạn tình
Vẫn còn bức xúc, chị kể chị lập gia đình ở tuổi 32, tưởng rằng đủ chín chắn khi lựa chọn người bạn đời, không ngờ đó là khởi đầu của bất hạnh. "Tòa có hiểu được cảm giác sợ mất con không ạ? Đêm nào nằm ngủ, tôi cũng ôm chặt con, sợ sáng mai mình sẽ không được ở cạnh con. Anh ấy luôn hăm dọa tách rời mẹ con tôi, tôi thấy đau đớn và mất mát như ai xẻ từng thớ thịt" - chị vừa khóc vừa nghẹn ngào nói.
Theo lời chị, từ ngày về làm dâu, chị ít khi được về thăm quê vì sự ngăn cấm của chồng và mẹ chồng. Đến lúc chồng đệ đơn ly hôn, chị không dám về quê vì sợ hàng xóm dị nghị gia đình mình. Đổ vỡ hôn nhân khiến chị không còn tin vào tình yêu. Những mất mát đó, không gì bù đắp được. Ngày tháng sau này, chị chỉ biết con, mong được nuôi con đến khi trưởng thành.
Còn anh cho rằng về mặt kinh tế, anh đủ sức cho con điều kiện tốt hơn chị, yêu cầu tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm, giao con lớn (7 tuổi) cho anh nuôi dưỡng; con nhỏ (4 tuổi) chị nuôi, anh sẽ cấp dưỡng bằng cách trực tiếp đóng tiền học phí ở trường, mua đồ dùng sinh hoạt cho con chứ không đưa tiền cho chị. Về căn nhà trị giá hơn 5 tỉ đồng, cả anh và mẹ anh khăng khăng bảo đó là tài sản của mẹ anh, không phải là tài sản chung của hai vợ chồng nên chị không được chia.
Mọi yêu thương lần nữa như bị thiêu rụi, khi anh đưa câu chuyện tiền nong ra trước bàn dân thiên hạ. "Ngày cưới, gia đình cô ấy không cho được 500 đồng. Vàng cưới, chi phí cưới là mẹ tôi cho, cưới xong tôi phải đem vàng bán trả tiền cưới chứ nói gì dư. Đóng tiền học cho con, tôi cũng là người đóng, cô ấy chưa từng bỏ ra 1 đồng nào. Thậm chí, có giai đoạn tôi còn phải trả nợ cho ba cô ấy khi ông ấy làm ăn thua lỗ" - anh kể lể.
Mẹ anh cũng đứng lên tiếp lời: "Từ ngày về làm dâu, tiền chợ, những ngày giỗ trong gia đình, con đã đóng góp được một ngàn nào cho mẹ không? Thậm chí mẹ còn phải may đồ gửi về tặng cho bà thông gia ở quê".
Nghe đến đó, chị gục xuống bàn, ôm mặt khóc rưng rức. Chị nói sau khi cưới đã đưa hết trang sức, tiền bạc cho chồng vì nghĩ đã là vợ chồng, sao phải tính toán. Không ngờ ra tòa anh và mẹ chồng nói như vậy, chị có muốn giành quyền lợi cho mình cũng chẳng có gì để chứng minh.
Trước khi tòa nghị án, chị vịn vào cạnh bàn, cay đắng nói: "Em có lỗi gì với anh, sao anh đối xử với em như vậy? Anh bảo để đời dạy em, giờ thì em biết đời dạy em những thứ gì. Cái giá của lòng tin quá đắt khiến em mất con trong tầm tay".
Sau hơn 3 giờ xét xử, HĐXX quyết định dời tuyên án vào một ngày khác. Bước ra khỏi phòng, anh chị lạnh lùng quay mặt bước đi.
Bình luận (0)