Khắc phục đường ống nước sông Đà bị vỡ
Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng nay 29-7, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46, Bộ Công an), cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà để điều tra về Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Từ khi đưa vào sử dụng, đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ. Lần gần đây nhất là vào khoảng 4 giờ sáng ngày 12-7, đường ống dẫn nước tại Km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức, TP Hà Nội bị vỡ. Khoảng 70.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… thuộc Hà Nội bị mất nước.
Đây là lần thứ 9 đường ống nước Sông Đà gặp sự cố (kể từ tháng 12-2012 đến nay), gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội.
Tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 15-7, ông Vũ Quý Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nói: “Chúng tôi rất đau xót khi để xảy ra những khó khăn cho người dân Thủ đô và chưa làm tròn trách nhiệm xã hội được giao. Chúng tôi gửi lời xin lỗi đến người dân, Vinaconex cảm thấy rất ân hận”.
Theo ông Hà, đường ống bị nứt vỡ do ống composite chất liệu thủy tinh có chất lượng không đồng đều. Ở một số vị trí của ống xuất hiện tình trạng bong rộp, tách lớp, chỉ tiêu độ cứng vòng bị vỡ ở cấp nén B, biến dạng 15%, không đạt yêu cầu thiết kế một số chỉ tiêu cơ lý.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống; tại một số vị trí xuất hiện tảng đá, bê-tông lẫn vào lớp cát đệm xung quanh ống làm mất ổn định của ống…
Tổng Giám đốc Vinaconex thừa nhận ống composite sử dụng trong dự án là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam nên Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm khi lựa chọn công nghệ, vật liệu đầu vào và các tiêu chuẩn áp dụng. Hệ thống ống nước cũng dài nhất trong thời điểm đó nên khó tránh khỏi rủi ro.
Sau lần vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ xây dựng chủ trì, phối hợp Viện Vật liệu xây dựng xác định nguyên nhân sự cố. Ngày 19-6, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho biết nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà do chất lượng của ống không đồng đều.
Bộ Xây dựng đã yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai đoạn II trong thời gian nhanh nhất có thể, để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng và phát triển đô thị.
Điều 229. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bình luận (0)