Ngày 28-5, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam- VietinBank Chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng VietinBank, nguyên Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án xảy ra tại VietinBank.
Hai bị cáo bị buộc tội lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của 5 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP Đầu tư Hưng Yên, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP Đầu tư và Thương mại An Lộc.
Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên phúc thẩm
Phiên phúc thẩm này được xét xử theo đơn kháng cáo xin giảm án của bị cáo Võ Anh Tuấn và kháng cáo của 4 công ty (Công ty Hưng Yên không kháng cáo) được tòa sơ thẩm xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Các cựu lãnh đạo VietinBank được tòa triệu tập với tư cách là người làm chứng và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan gồm: ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM), ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM). Tuy nhiên, bà Hương và ông Sẽ đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Các luật sư đề nghị HĐXX phải dừng phiên tòa để triệu tập các cựu lãnh đạo VietinBank và lãnh đạo VietinBank hiện thời để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án. Bên cạnh đó, luật sư còn yêu cầu tòa phải triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước để làm rõ một số vấn đề mà tòa sơ thẩm chưa làm rõ.
Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tiếp tục phiên tòa vì cho rằng việc vắng mặt của một số người không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Bên cạnh đó, việc triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước là không cần thiết bởi vì những tài liệu, chứng cứ liên quan đã được đơn vị này cung cấp đầy đủ.
Từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa là kiểm soát viên, quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM đi huy động tiền gửi cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, VietinBank Chi nhánh TP HCM. Như gặp người môi giới, người đại diện của 5 công ty để các công ty này gửi tiền vào VietinBank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định. Như cam kết trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.
Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản của họ mở tại VietinBank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản và sử dụng quyền hạn, chức vụ của mình để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị đi trả nợ cá nhân. Tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt là hơn 1.085 tỉ đồng.
Riêng Võ Anh Tuấn dù biết hành vi gian dối của Như nhưng để mặc cho Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của VietinBank Chi nhánh Nhà Bè với Công ty Hưng Yên. Võ Anh Tuấn hưởng lợi từ hành vi lừa đảo của Như số tiền 10 tỉ đồng.
Tại tòa sơ thẩm, cả Như và Tuấn đều thừa nhận cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Trong khi đó, đại diện 5 công ty đồng loạt yêu cầu VietinBank bồi thường 1.085 tỉ đồng cộng với tiền lãi phát sinh. Theo đại diện 5 công ty, tiền gửi là có thật và cho đến nay tài khoản của một trong các công ty vẫn còn số dư tại VietinBank.
Với hành vi này, xử sơ thẩm vào tháng 2-2018, TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân và Võ Anh Tuấn mức án 7 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường 885 tỉ đồng còn Võ Anh Tuấn liên đới với Huyền Như bồi thường 200 tỉ đồng.
Bình luận (0)