Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream (phát sóng trực tiếp) xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông và công an các địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Các đơn vị này cần chủ động xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Khi các "thánh chửi" là người của công chúng
Những ngày qua, cái tên Nathan Lee trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bởi những lần livestream "rúng động" cả showbiz Việt. Bắt đầu từ việc đăng tải những trạng thái đầy ẩn ý sau vụ việc Ngọc Trinh bị mất trộm bộ sưu tập đồng hồ trị giá gần 15 tỉ đồng, tiếp theo là bài viết mang tính hạ bệ "nữ hoàng nội y", đỉnh điểm là khi nam ca sĩ đòi khởi kiện Ngọc Trinh vì cho rằng cô lôi kéo anh vào lùm xùm. Kế đó, cuộc chiến vạch mặt, lăng mạ của Nathan Lee nhắm đến ca sĩ Cao Thái Sơn đã làm bùng nổ hàng loạt tranh luận trái chiều. Trong những buổi trực tiếp thường kéo dài hơn cả tiếng, Nathan Lee liên tục dùng lời lẽ thô tục, phản cảm, thậm chí có ý nhục mạ người khác khiến không ít khán giả choáng váng.
Ngoài Nathan Lee, làng giải trí Việt còn có Trang Trần với khả năng vừa bán hàng vừa mắng chửi xối xả, thô tục. Dường như mọi bức xúc trong cuộc sống đều được cựu người mẫu giải quyết bằng livestream. Livestream để nhận định các vấn đề nóng, livestream đáp trả sau khi một nữ đại gia cấm cửa dàn sao Việt đến khu du lịch của bà, livestream mắng anti-fan... Cô từng khẳng định chỉ hiền với người lành và sẵn sàng "ăn thua" đủ với những ai đụng chạm mình. Có một ranh giới mong manh giữa sự thẳng thắn chân phương, có sao nói vậy với sự bỗ bã, hung hăng, cộc cằn, thô lỗ, mất kiểm soát về cảm xúc. Tiếc là, Trang Trần đã rơi vào vế thứ hai.
Tương tự, một số nghệ sĩ khác như Duy Mạnh, Đức Hải, Lê Dương Bảo Lâm... cũng từng có những phát ngôn kém duyên, thô tục, gây bức xúc cho người hâm mộ.
Những lần livestream của Nathan Lee làm “rúng động” cả showbiz Việt
"Khẩu nghiệp" lên ngôi, tình người đi vắng
Gần đây, một nữ doanh nhân đã có những buổi livestream thu hút trên vài trăm ngàn người xem và tương tác. Dù không hoạt động nghệ thuật song khó có thể phủ nhận mức độ nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của nữ doanh nhân này trong những lần livestream. Nhà nhà, người người, già trẻ lớn bé được nữ đại gia kêu gọi "thả tim chùm chùm" và lắng nghe bà "vạch trần" hết diễn viên này tới ca sĩ nọ. Đành rằng trong mọi lĩnh vực đều có người tốt, kẻ xấu nhưng trắng - đen phân minh còn có pháp luật. Việc "vơ đũa cả nắm", dùng các ngôn từ mang tính gây hấn, thù hằn không phải là giải pháp tối ưu mà chính là xăng dầu, thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của cộng đồng. Những cuộc mắng nhiếc vô tiền khoáng hậu càng làm cho mạng xã hội trở thành một bãi chiến trường hỗn loạn, u ám.
Đáng lo là những livestream mang tính chất tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều nhưng hễ có "người nổi tiếng" tham gia hoặc có "bóng dáng" trong các buổi livestream thì sẽ trở thành đề tài "câu view" của một số trang tin điện tử, trang mạng xã hội. Cứ thế, những cuộc khẩu chiến leo thang bởi các buổi livestream thường xuyên được cập nhật, phân tích, mổ xẻ từng chi tiết, diễn biến. Các "thánh livestream" càng ảo tưởng sức mạnh của mình, càng tăng liều lượng lẫn số lượng phát sóng để tạo sự chú ý, thỏa mãn cái tôi và thỏa mãn những "khán giả" hiếu kỳ. Khi dần quen với việc nghe và tiếp nhận những thông tin cực đoan, độc hại; tâm lý con người dần dà cũng bị tác động, thậm chí có xu hướng kích động, bạo lực hơn. Đám đông bị lôi kéo, dễ dàng "ném gạch đá", "đánh sập" ngôi nhà trực tuyến của một cá nhân nào đã trót "lên thớt livestream".
Rất khó đòi hỏi mạng xã hội là nơi chỉ được xây dựng bởi lời hay ý đẹp song cũng không thể thờ ơ để không gian ấy tràn ngập sự ô nhiễm, những nội dung lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, chà đạp các giá trị đạo đức cơ bản. Chúng ta có nhu cầu và có quyền có một "cuộc sống đẹp" ngay cả trên internet, nơi con người nên đối xử với nhau bằng lý trí và cả tình người, chứ không phải là chốn bát nháo để phán xét, nhục mạ, thanh trừng bất kỳ ai. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay và triệt để vào cuộc, có các giải pháp rõ ràng để xây dựng một không gian mạng văn minh và lành mạnh.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Không gian mạng là không gian công cộng, vì vậy đòi hỏi người dùng mạng cũng phải có ứng xử đúng chuẩn mực, phù hợp với văn hóa, tôn trọng sự riêng tư của mọi người và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân gây ra nhiều hệ lụy cho những người xuất hiện trong livestream lẫn bản thân người phát cũng như trật tự an toàn xã hội.
Làm gì để chấn chỉnh hiện tượng này? Giải pháp nào để làm trong sạch môi trường mạng, ngăn chặn livestream "bẩn"? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Làm gì để chặn livestream "bẩn" trên Báo Người Lao Động. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Bình luận (0)