Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Tại điểm a, khoản 1, điều 9 Luật Tố cáo 2011 quy định người tố cáo có quyền "Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật". Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, khoản 1, điều 9 Nghị định 91/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong công an nhân dân quy định "Thủ trưởng cơ quan, đơn vị công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự thuộc phạm vi quản lý được giao. Các cơ quan, đơn vị công an khác liên quan có trách nhiệm phối hợp". Theo đó, trong trường hợp này, anh có thể gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo đến công an xã, phường, thị trấn để tố cáo về hành vi phạm pháp luật trên.
Đồng thời, theo điểm b, khoản 1, điều 9 Luật Tố cáo 2011, "Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình", người tố cáo có quyền yêu cầu bảo mật thông tin của mình để bảo đảm an toàn. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo và các biện pháp bảo vệ người tố cáo được quy định cụ thể trong Nghị định 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo.
Bình luận (0)