TAND TP Hải Phòng vừa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án "Mua bán trái phép hóa đơn" do đại gia ngành xăng dầu Ngô Văn Phát (SN 1964, còn gọi Phát "dầu"), Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại Xăng dầu Phát (Công ty Xăng dầu Phát) cầm đầu.
Cơ quan Công an tiến hành khám xét nơi ở của đại gia Ngô Văn Phát vào chiều 8-9-2020
Cùng ra hầu tòa với 7 bị cáo khác làm việc tại Công ty Xăng dầu Phát, gồm: Vũ Xuân Bảy (SN 1950, Giám đốc); Nguyễn Thị Loan (SN 1989, Kế toán trưởng) và các nhân viên Lương Văn Giao (SN 1991), Ngô Thị Hải Quyên (SN 1991), Nguyễn Thị Thúy (SN 1978), Trần Thị Hằng (SN 1992), Mai Thị Nhài (SN 1994); Trần Thị Phúc (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Thép Bảo An); Nguyễn Thị Hoàng Anh (SN 1982, Kế toán Xí nghiệp thương mại Việt Đức) và Phạm Việt Tiệp (SN 1987, nhân viên Xí nghiệp thương mại Việt Đức).
Theo hồ sơ vụ án, năm 2012, Ngô Văn Phát thành lập Công ty Xăng dầu Phát và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ năm 2014 đến tháng 8-2020, bị cáo Phát chỉ đạo các bị cáo Bảy, Loan và Giao thành lập 22 công ty "ma" để bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Đại gia Ngô Văn Phát
Ngô Văn Phát chỉ đạo cấp dưới tuyển người, thuê làm giám đốc, đứng tên công ty và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng liên quan việc bán hóa đơn. Đồng thời, yêu cầu cấp dưới thuê văn phòng, sau đó liên tục thay đổi địa chỉ của các công ty "ma".
Theo sự phân công, Vũ Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Xăng dầu Phát, có nhiệm vụ quán xuyến, chỉ đạo chung, phân công các đối tượng thành lập các công ty "ma".
Nguyễn Thị Loan, Kế toán trưởng Công ty Xăng dầu Phát, quản lý điều hành các nhân viên tại văn phòng, quản lý công nợ tiền bán hóa đơn GTGT khống của các công ty "ma", trực tiếp giao dịch với khách mua hóa đơn, phân công người lập hợp đồng mua bán khống, thu tiền bán hóa đơn, chi trả lương và các chi phí khác cho cho nhân viên...
Lương Văn Giao trực tiếp đứng tên và thuê một số đối tượng đứng tên thành lập công ty ma, ký khống các hợp đồng, hóa đơn chứng từ. Giao còn có nhiệm vụ nhận tiền từ việc bán trái phép hóa đơn của các công ty để chuyển cho Phát. Sau đó nhận tiền từ Phát để đưa cho một lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên.
Để hợp thức hóa việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT không có hàng hóa kèm theo, các bị cáo đã thỏa thuận với khách về việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Nếu khách tự chuyển khoản thì Loan sẽ chỉ đạo các kế toán viết, đóng dấu khống séc rút tiền, ủy nhiệm chi trước rồi đưa lại cho khách để thực hiện việc rút và chuyển tiền. Nếu khách mua hóa đơn yêu cầu thì các đối tượng chỉ đạo nhân viên rút tiền rồi đem giao lại cho khách.
Trường hợp phải tự chuyển khoản thì Loan sẽ chỉ đạo nhân viên ra ngân hàng nộp tiền vào tài khoản của khách, sau đó dùng ủy nhiệm chi của khách để chuyển số tiền vừa nộp về các công ty ma. Sau đó, Loan chỉ đạo nhân viên dùng séc rút tiền về. Các bị cáo khai, bán hóa đơn với giá trung bình 1% doanh số hàng hóa (chưa tính thuế GTGT 10%).
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hải Phòng đã tiến hành xác minh 22 công ty "ma" và xác định các địa chỉ đăng ký trụ sở các công ty "ma" này đều không ai cho thuê nhà, thuê văn phòng. Các công ty này cũng không đặt biển hiệu, không có văn phòng, kho bãi hàng hóa hay có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Riêng Công ty Xăng dầu Phát (địa chỉ xã Nam Sơn, huyện An Dương) chỉ có văn phòng làm việc và cây xăng bán lẻ.
---
Lực lượng công an khám xét nhà đại gia Ngô Văn Phát chiều ngày 8-9-2020
Cơ quan điều tra xác định, 22 công ty "ma" của đại gia "Phát dầu" đã sử dụng để bán trái phép 25.125 hóa đơn GTGT với tổng doanh số hàng hóa dịch vụ bán khống là 17.611 tỉ đồng.
Ngoài ra, các công ty này xuất khống 271 hóa đơn GTGT với tổng giá trị hàng hóa trên 279 tỉ đồng cho Công ty Xăng dầu Phát để hợp thức hóa nguồn hàng đầu vào nhằm mục đích trốn thuế.
Sau khi trả lương cho cấp dưới và trừ các chi phí khác, Ngô Văn Phát thu lợi bất chính hơn 161,8 tỉ đồng.
Tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản cáo trạng. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Ngô Văn Phát 24 tháng tù. Bị cáo Bảy, bị cáo Loan 20 tháng tù. Các bị cáo Giao, Thúy, Hằng nhận mức án từ 12-18 tháng tù cùng về tội "Mua bán trái phép hóa đơn". Các bị cáo này còn bị phạt bổ sung từ 10-50 triệu đồng.
Cùng về tội trên, các bị cáo Quyên, Nhài, Tiệp, Hoàng Anh bị tuyên phạt hành chính từ 70-200 triệu đồng.
HĐXX buộc bị cáo Phát phải nộp 135,2 tỉ đồng thu lợi bất chính còn lại từ việc bán hóa đơn GTGT trái phép.
Đồng thời, buộc các bị cáo còn lại nộp tổng số tiền trên 3,6 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán trái phép hóa đơn.
Trước đó, Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng đã tịch thu, sung vào ngân sách Nhà nước tổng số tiền và ngoại tệ đã quy đổi của bị cáo Ngô Văn Phát là 26,6 tỉ đồng.
Bình luận (0)