TAND TP HCM đã 7 lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với Đỗ Thị Luận (60 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". VKSND TP truy tố bị cáo này tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với khung hình phạt cao nhất là chung thân (theo khoản 4, điều 139, Bộ Luật Hình sự).
Một tài sản "gả bán" nhiều nơi
Cụ thể, dù chuyển quyền sở hữu 7 miếng đất cho ông K. và ông T. nhưng bà Luận vẫn chia 7 miếng đất thành những lô nhỏ hơn rồi bán giấy tay cho nhiều người khác. Không có đất mà 18 gia đình lại mất tiền trong vô vọng. Cơ quan điều tra xác nhận bà Luận chiếm đoạt 17,2 tỉ đồng. Tại 7 phiên tòa, bị cáo Luận cho rằng bản thân không có ý định chiếm đoạt tiền. Do cần vốn kinh doanh nên bị cáo vay ông T. 14 tỉ đồng, vay ông K. 1,9 tỉ đồng. Nhằm bảo đảm khoản vay, bà Luận mới làm hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. "Bị cáo sẽ chuộc sổ về, sang tên ngay cho 18 khách hàng khi trả nợ xong" - Đỗ Thị Luận cam kết. Đáng nói, 18 người mua khẳng định bà Luận không lừa họ và không yêu cầu bồi thường. Vì tính chất vụ án phức tạp như vậy nên đến nay kết quả xét xử cuối cùng chưa có.
Gần đây, chiêu "độc" kể trên lan sang địa hạt kinh doanh căn hộ. Một số doanh nghiệp lợi dụng lằn ranh giữa quan hệ dân sự với hình sự hòng trục lợi. Đơn cử, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP HCM xác minh việc Công ty TNHH Bất động sản Nam Thị bán 1 căn hộ ở chung cư La Bonita (đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho nhiều khách hàng. Trước đó, bà N.T.T.C (ngụ quận Bình Thạnh) tố cáo, năm 2014, bà ký hợp đồng mua bán 2 căn hộ trong chung cư La Bonita. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng mua bán 2 căn hộ này với nhiều khách hàng khác. Bà C. phẫn nộ khi công ty không công nhận hợp đồng mua bán ký kết với bà trước đó.
Người mua chung cư La Bonita phản đối chủ đầu tư
Khó xác định dấu hiệu phạm tội
Những tranh chấp "lập lờ" trong giao dịch mua bán đưa nạn nhân và cơ quan chức năng vào thế khó khi dân sự xử không xong, hình sự khó khởi tố. Đối với bị cáo Đỗ Thị Luận, cơ quan xét xử trả hồ sơ nhiều lần do diễn biến phức tạp phát sinh tại các phiên xử.
Theo HĐXX, 18 gia đình được VKS xác định là nạn nhân trong vụ án bất ngờ phủ nhận việc bị bị cáo Luận lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Nếu vụ án không có nạn nhân thì cơ quan xét xử khó xác định hành vi bán đất cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tương tự, vụ việc ông Nguyễn Hùng Nghiêm (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú) có hành vi gian dối khi bán 31 căn hộ cho nhiều khách hàng. Công an TP HCM từng khởi tố vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", khởi tố bị can đối với ông Nghiêm. Tuy nhiên, VKSND TP không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam.
Mới đây, VKSND Tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND TP hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự; phục hồi điều tra vụ án này. VKSND Tối cao nhận thấy hành vi của ông Nguyễn Hùng Nghiêm đủ dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết pháp luật hoàn toàn có cơ sở khởi tố những cá nhân là đại diện pháp luật của chủ đầu tư trong trường hợp "một tài sản gả bán nhiều nơi". Hậu quả rõ nhất trong vụ việc là khách hàng chịu thiệt hại về tài sản (mất tiền mua nhưng chưa thể sở hữu).
Theo tiến sĩ Lê Đức Xuân, VKSND Tối cao, trong tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", người phạm tội có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu. Để đạt được mục đích, họ chủ động thực hiện hành vi gian dối. Tội danh trên hoàn thành khi người phạm tội có trong tay tài sản từ nạn nhân. Trường hợp cá nhân có hành động, lời nói gian dối làm cho người có tài sản tin tưởng và giao tài sản. Song, sau khi nhận tài sản, họ không có ý định, không thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này không cấu thành tội.
Trong vụ án hình sự liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế, cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ xác định đối tượng trong vụ án có hành vi chiếm đoạt hay không. Đây là một việc khó. Bởi lẽ, không ít trường hợp do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm… dẫn đến tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Tiến sĩ Lê Đức Xuân nhấn mạnh đối với những vụ việc liên quan đến giao kết hay thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, cơ quan chức năng cần xem xét đầy đủ, toàn diện tình tiết cố ý không thực hiện nghĩa vụ; ý thức chiếm đoạt; chủ sở hữu tài sản đã thực sự mất quyền hợp pháp của mình đối với tài sản chưa? Nếu không chứng minh được hành vi chiếm đoạt thì việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có thể giải quyết theo trách nhiệm dân sự, kinh tế.
Bình luận (0)