Trong khoảng thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An đã hoàn thành việc điều tra, khởi tố, truy tố và sắp tới sẽ đưa ra xét xử vào tháng 12-2011.
Chỉ còn 2 tháng nữa là giỗ đầu nhà báo Hoàng Hùng. Ảnh: NLĐO
Tuy nhiên, vụ án còn có quá nhiều điểm chưa rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn. Quá trình điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An như thế nào? Lời khai các nhân chứng ra sao? Ông Nguyễn Văn Tâm, nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 - Chi cục QLTT Long An, có liên quan đến vụ án hay không? Nhà báo Hoàng Hùng đã khai gì trước khi mất…?
Quyết định lật lại hồ sơ vụ án khi VKSND tỉnh Long An vừa chuyển toàn bộ hồ sơ và cáo trạng sang tòa án cùng cấp để chuẩn bị đưa ra xét xử, Báo Người Lao Động chúng tôi chỉ có một mục đích duy nhất là mong muốn sự thật của vụ án được sáng tỏ để công lý được thực thi và hương hồn người đồng nghiệp xấu số thực sự yên nghỉ.
Loạt bài sẽ được khởi đăng trên báo in Người Lao Động từ ngày mai, 21-11, mời bạn đọc theo dõi.
Dưới đây là tóm tắt 5 vấn đề chính cần làm rõ trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng
Thứ nhất: Lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng
Trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKSND tỉnh Long An cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh này có nội dung: “Điều tra làm rõ lời sinh cung của Lê Hoàng Hùng trước khi chết có hay không có căn cứ, phải kết luận rõ ràng”.
Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra bổ sung ngày 26-9-2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An chỉ thể hiện: “Lời sinh cung của bị hại Lê Hoàng Hùng, CQĐT đã tiến hành ghi âm và sang đĩa, chưa phát hiện gì có liên quan đến vụ án”.
Thứ hai: Nội dung liên lạc giữa ông Tâm và bà Liễu
Trong quá trình làm việc với CQĐT, ông Nguyễn Văn Tâm thừa nhận sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, ngoài việc đến nhà gặp gỡ bà Trần Thúy Liễu - vợ nhà báo Hoàng Hùng, ông còn nhiều lần gọi điện thoại cho bà Liễu để hỏi thăm sức khỏe, nhưng trong hồ sơ vụ án không thấy CQĐT làm rõ vấn đề này.
Thứ ba: Thực nghiệm điều tra không đúng quy định
Công tác thực nghiệm điều tra vừa qua của CQĐT và VKSND tỉnh Long An chưa phù hợp với diễn biến của vụ án, như điều kiện, thời gian, không gian tiến hành thực nghiệm… Sự việc xảy ra vào lúc 1 giờ sáng, điều kiện trong phòng không có ánh sáng, chỉ có ánh đèn néon từ bên ngoài hắt vào nhưng khi tiến hành thực nghiệm, CQĐT cho bà Liễu diễn lại trong điều kiện ban ngày, ánh sáng tự nhiên, thời tiết tốt, là không đúng quy định.
Thứ tư: Lời khai nhân chứng mâu thuẫn
Khi vụ việc xảy ra, có một số nhân chứng là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, tham gia chữa cháy như ông Nguyễn Công Anh, Trần Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Sữa, Trần Văn Mến... Họ đã được CQĐT lấy lời khai với tư cách người làm chứng, nhưng những lời khai này còn nhiều điểm mâu thuẫn.
Thứ năm: Em gái ông Tâm khai gian
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, em ruột ông Nguyễn Văn Tâm, đã có lời khai gian dối với CQĐT liên quan đến việc chuyển lá thư của bà Liễu cho ông Tâm, trong đó có việc trao đổi về nội dung đối phó với CQĐT, CQĐT. Bà Nhiệm đã thừa nhận hành vi khai gian với CQĐT, nhưng trong bản kết luận điều tra, điều tra bổ sung, bản cáo trạng không thấy nhắc đến.
Bình luận (0)