Khuya 25-5, Công an TP HCM phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội TP, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động… kiểm tra khách sạn Du lịch Sài Gòn Star (quận 3) và phát hiện hàng loạt sai phạm. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện 52 nữ tiếp viên đang phục vụ 6 phòng VIP với trang phục mát mẻ.
Sau đó, đoàn tiếp tục kiểm tra nhà hàng Phonix (quận 1), phát hiện 30 nữ tiếp viên đang phục vụ các khách nam. Khi lực lượng công an ập vào, các "quý ông" và nữ tiếp viên ăn mặc hở hang đã bung chạy. Công an đưa 10 người nghi vấn sử dụng ma túy về trụ sở lấy lời khai.
Hầu hết các nhà hàng đều cho nhân viên ăn mặc hở hang phục vụ khách
Trước đó, rạng sáng 19-5, Đoàn Kiểm tra liên ngành Văn hoá - Xã hội TP HCM đã kiểm tra nhà hàng Mango trên đường Bùi Bằng Đoàn (Phú Mỹ Hưng, quận 7). Tại đây, dù bảng hiệu đã tắt đèn nhưng bên trong nhạc vẫn xập xình và nhiều tiếp viên nữ đang phục vụ cho các khách Hàn Quốc.
Theo đoàn kiểm tra, nhà hàng này chuyên phục vụ khách nước ngoài, chủ yếu là người Hàn Quốc và không nhận khách Việt. Nơi đây cũng bị lập biên bản các lỗi như kinh doanh quá giờ, karaoke không phép...
Cùng thời điểm, đoàn cũng đã kiểm tra một nhà hàng trên đuờng Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), phát hiện nhiều tiếp viên đang tiếp khách Hàn Quốc và không hề có hợp đồng lao động.
Cơ quan chức năng kiểm tra nhà hàng Phoenix (quận 1) phát hiện nhiều sai phạm
Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện cả trăm nhà hàng chuyên tuyển tiếp viên nữ phục vụ "quý ông". Tại các nhà hàng này, nữ tiếp viên không được ký hợp đồng mà chủ yếu nhận tiền "boa" của khách. Đáng chú ý, tiếp viên nữ khi phục vụ thường ăn mặc thiếu vải. Thậm chí, có nhà hàng còn cho tiếp viên không mặc quần áo để phục vụ khách.
Một điều ngạc nhiên là dù lãnh đạo UBND TP HCM đã chỉ đạo giải quyết rốt ráo, xử lý nghiêm những nhà hàng thác loạn nhưng kiểm tra xong thì đâu lại vào đó và hoạt động ngày càng nở rộ. Vấn đề ở chỗ, những dạng nhà hàng thác loạn này hiện được cấp phép tràn lan, xử lý không nghiêm nếu bị phát hiện vi phạm nên chủ cơ sở chỉ đóng phạt, sau đó hoạt động bình thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu - Công an TP HCM, cho biết: "Chuyện này thuộc về vấn đề quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về an ninh trật tự, chứ công an không thể làm thay việc của chính quyền".
Theo đại tá Quang, công an chỉ phối hợp phát hiện các nhà hàng có lợi dụng việc kinh doanh để hoạt động trá hình hay không. "Cần xem lại các quy định, quy trình cấp phép cho các nhà hàng, công ty hoạt động dịch vụ ăn uống còn nhiều sơ hở. Việc xử lý bằng biện pháp hành chính cũng chưa đủ sức răn đe và khi bị phát hiện, rút giấy phép thì lại tiếp tục nhờ người khác đang ký để tiếp tục hoạt động" - đại tá Quang nhấn mạnh.
Bình luận (0)