VKSND Tối cao vừa truy tố tội danh "Cướp tài sản" đối với 16 đối tượng dàn cảnh chiếm đoạt Bitcoin (một loại tiền ảo phổ biến hiện nay) tại khu vực thị trấn Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai).
Không thừa nhận tiền ảo là tiền tệ
Theo cáo trạng, nghe Lê Đức Nguyên (ngụ quận 2, TP HCM) tư vấn, Hồ Ngọc Tài (ngụ TP Đà Nẵng) bán 1.000 Bitcoin (tương đương 100 tỉ đồng) để đầu tư một số loại tiền ảo khác. Tài kinh doanh thất bại, mất hết vốn.
Nghĩ Nguyên lừa đảo, Tài rủ Trần Ngọc Hoàng (ngụ TP Đà Nẵng) đi tìm, bắt Nguyên trả lại tiền. Hai đối tượng rủ rê, thuê thêm nhiều người khác dàn cảnh va quệt trên đường, tấn công, uy hiếp Nguyên cùng vợ, con.
Cả nhóm điều khiển ôtô về khu vực trạm thu phí Dầu Giây, lấy điện thoại của anh Nguyên, bắt nạn nhân đọc mật khẩu để truy cập vào ví điện tử cá nhân.
Sau đó, Tài sử dụng điện thoại của anh Nguyên chuyển sang ví điện tử của mình nhiều loại tiền ảo. Theo kết quả giám định, số tiền điện tử anh Nguyên bị chiếm đoạt là 168 Bitcoin được quy đổi tổng trị giá 37,1 tỉ đồng cùng một số tài sản khác.
Các đối tượng trong vụ dàn cảnh chiếm đoạt Bitcoin tại khu vực thị trấn Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: PHẠM DŨNG
Phân tích về vụ án này, luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc truy tố tội "Cướp tài sản" ở trường hợp như vậy đồng nghĩa rằng cơ quan quản lý công nhận tiền ảo là tài sản.
Trong khi, công văn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành nêu rõ: tiền ảo nói chung, Bitcoin hay Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ; không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Tại hội thảo "Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính - tiền tệ trong nền kinh tế số" diễn ra tại Trường Đại học Luật TP HCM, TS - luật sư Lê Quốc Vinh, Công ty Luật Tilleke & Gibbins, cho biết Việt Nam chưa thừa nhận tài sản ảo là tài sản, được phép giao dịch.
Nhà nước không thể thu thuế hoạt động có tài sản ảo. Đáng nói hơn, hành vi lừa đảo, trộm cắp tài sản ảo có cơ hội tồn tại vì thiếu căn cứ xử lý.
Pháp luật có quyền thừa nhận hoặc không thừa nhận tiền ảo ở bốn khía cạnh, gồm: tiền ảo là công cụ thanh toán; tiền ảo có được xem là tài sản; tiền ảo có được xem là một loại tiền tệ; tiền ảo có được phép giao dịch.
PGS-TS Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP HCM - phân tích căn cứ Bộ Luật Dân sự, nhà chức trách có thể xem tiền ảo là một loại tài sản dưới dạng quyền tài sản.
"Tuy nhiên, nhiều văn bản do Chính phủ ban hành không thừa nhận tiền ảo là tài sản mà xếp tiền ảo ở trạng thái tự do, không cấm nhưng không thừa nhận. Việc thiếu những quy định chính thức, rõ ràng dẫn đến không ít hệ lụy xuất phát từ hoạt động liên quan đến tiền ảo" - PGS-TS Nguyễn Thị Thủy phản ánh.
Ban hành khung pháp lý để điều chỉnh
Những gì đang diễn ra từ thực tế đòi hỏi pháp luật điều chỉnh, bổ sung, thậm chí tạo ra khung pháp lý mới.
Trước hết, PGS-TS Nguyễn Thị Thủy cho rằng pháp luật cần khẳng định một cách tỉ mỉ và rõ ràng: tiền ảo là một loại tài sản. Kế đến, thừa nhận thị trường tiền ảo, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Theo đó, cơ quan chức năng xác định tiền ảo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tiếp nhận thủ tục đăng ký kinh doanh làm cơ sở thu thuế. PGS-TS Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng Argentine xem thu nhập từ giao dịch tiền ảo như thu nhập từ chứng khoán. Còn Thụy Sĩ coi tiền mật mã là ngoại tệ; đánh thuế giao dịch tiền mật mã giống giao dịch ngoại tệ.
PGS-TS Nguyễn Thị Thủy nhận thấy đó cũng là giải pháp Việt Nam có thể chọn lựa. Về quản lý thị trường tiền ảo, pháp luật bắt buộc bảo đảm yếu tố chống rửa tiền, khủng bố tài chính, tội phạm có tổ chức.
Nhìn nhận thực tiễn, TS - luật sư Lê Quốc Vinh nhận thấy việc ban hành khung pháp lý điều chỉnh tài sản ảo giúp cơ quan quản lý có cơ sở trừng phạt hành vi lừa đảo, trốn thuế.
"Cơ quan lập pháp và quản lý nên nhìn vào bản chất sản phẩm cùng hành vi của cá nhân - tổ chức liên quan"- ông Lê Quốc Vinh lưu ý.
Từ sàn tiền ảo đến... nhà tù
Xử sơ thẩm ngày 22-12, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Hồ Sĩ Nam Trung (SN 1985) 25 năm tù về 3 tội: "Cướp tài sản", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; bị cáo Hồ Nguyên Trung (SN 1997, em ruột Hồ Sĩ Nam Trung) 8 năm tù về tội "Cướp tài sản".
Do đầu tư tiền ảo thua lỗ, hai bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với mục đích kiếm tiền "bù lỗ". Nam Trung làm giả giấy tờ xe hơi rồi mang xe của người khác đi cầm cố, lấy 500 triệu đồng.
Sau đó, hai đối tượng thuê căn hộ ở qua đêm rồi lừa gạt chủ nhà, người môi giới đến tư vấn mua căn hộ. Khống chế nạn nhân, cả hai cướp hàng trăm triệu đồng.
Bình luận (0)