Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) hiện có 14 hồ chứa nước được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nạo vét, cải tạo và tận thu vật liệu lòng hồ bằng hình thức xã hội hóa. Trong đó có 5 dự án nạo vét các hồ: Sông Hỏa, Sông Kinh, Bút Thiền, Suối Nhum, Đá Đen đang triển khai thực hiện.
Ngó lơ cam kết, xâm hại ranh dự án
Dự án nạo vét hồ Sông Hỏa và Sông Kinh do Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà thi công. Từ cuối năm 2017, công ty này đã triển khai việc thi công nạo vét. Thế nhưng, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh BR-VT, thời điểm này đơn vị thi công vẫn chưa có biên bản bàn giao mốc ranh giới, chưa được cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án; chưa bố trí hố lắng, chưa thực hiện việc giám sát môi trường… Theo đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng để hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Sau khi hoàn tất các thủ tục đến tháng 12-2018, Công ty Cát Hà có văn bản thông báo khởi công lại công trình nạo vét lòng hồ.
Tuy nhiên, ở lần khởi công lại này, theo ghi nhận của chúng tôi, việc thi công nạo vét tại dự án trên tiếp tục thể hiện nhiều khuất tất khi doanh nghiệp (DN) không tuân thủ những cam kết trước đó, lợi dụng việc nạo vét lòng hồ để khai thác khoáng sản.
Hiện trường khai thác cát nham nhở ngoài khu vực lòng hồ tại dự án nạo vét hồ Sông Hỏa
Cụ thể, khảo sát tại hồ chứa nước Sông Hỏa, phóng viên ghi nhận việc lòng hồ đang vào mùa khô, nước cạn nhưng DN vẫn chưa thực hiện nạo vét, thay vào đó phạm vi ngoài lòng hồ lại được DN khai thác cát một cách triệt để, diện tích nạo vét vượt từ 50-100 m so với ranh quy định, tạo nhiều hố sâu lồi lõm rất nguy hiểm, việc lấy cát còn tạo nên những hố rộng, ăn sâu vào khu vực rừng tràm. Hầu như việc thi công nạo vét hay vận chuyển khoáng sản đều do đơn vị thi công tự quyết định, không có sự giám sát của địa phương cũng như chủ đầu tư dự án.
Trao đổi với phóng viên, đại diện HĐND tỉnh BR-VT cho hay mới đây, thực hiện việc giám sát tại dự án nạo vét hồ Sông Hỏa và Sông Kinh, đoàn giám sát đã phát hiện diện tích, khối lượng, độ sâu nạo vét tại các hồ trên vượt cao hơn so với quy định.
Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư
Theo đánh giá của Sở TN-MT tỉnh BR-VT, việc nạo vét tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, nhất là các hồ chứa nước sinh hoạt, là hoạt động hết sức nhạy cảm, nếu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước, khả năng chứa nước của các hồ, gây tác động lớn đến môi trường khu vực. Nhưng thực tế, tại hồ Sông Kinh và Sông Hỏa, quá trình giám sát quá lỏng lẻo khiến cho việc nạo vét lòng hồ trở thành cái cớ để đơn vị thi công tận dụng khai thác cát, dẫn đến thất thoát tài nguyên.
HĐND tỉnh BR-VT cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư tất cả hồ nước để thực hiện nạo vét, quản lý nguồn nước. Tất cả hồ nước có được nạo vét đúng kỹ thuật hay không, có đạt công suất thiết kế, có phát huy được công dụng trong cấp nước tưới tiêu và nước sinh hoạt hay không là trách nhiệm thuộc về Sở NN-PTNT. Do vậy, nếu như có vấn đề không được như sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì sở này phải là đơn vị chịu trách nhiệm.
Ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT, nói thẳng việc nạo vét ở 2 hồ trên là "đào để lấy cát", vì qua khảo sát cho thấy khu vực thi công không phải là địa điểm cần nạo vét mà chủ yếu là nằm ngoài khu vực nạo vét. "Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND là nạo vét hồ để nâng công suất của nước chứ không phải khai thác tài nguyên, nếu đơn vị thi công nào cũng vậy thì sẽ gây tác hại cho lòng hồ trong tương lai. Như tại hồ Sông Hỏa do chủ đầu tư quá chậm trễ trong việc giám sát, kiểm tra dẫn đến việc không thể khắc phục được nữa" - ông Khoa nhấn mạnh. Ông Khoa cho rằng nếu không có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết thì các vi phạm trên khó chấm dứt. Theo đó, HĐND tỉnh đang làm báo cáo kiến nghị gửi bí thư, chủ tịch UBND tỉnh cũng như tổ chức cuộc họp với Sở NN-PTNT về vấn đề này.
Bị xử phạt rồi nhưng... không ngán!
Tháng 5-2018, Sở TN-MT tỉnh BR-VT phối hợp với các đơn vị kiểm tra việc khắc phục những tồn tại đối với hoạt động nạo vét hồ chứa nước Sông Kinh và Sông Hỏa. Qua kiểm tra cho thấy công ty chưa khắc phục được các tồn tại về bảo vệ môi trường nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 140 triệu đồng đối với Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà.
Cũng thời điểm này, Công ty CP Đại Nguyên - đơn vị thi công dự án nạo vét tại hồ Đá Đen và hồ Bút Thiền - cũng bị xử phạt với số tiền 220 triệu đồng do không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện giám sát môi trường không đầy đủ; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ; không bố trí khu vực lưu trữ chất thải nguy hại.
Bình luận (0)