Thời gian qua, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có tính chất phức tạp, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc trong dư luận. Gần đây nhất, ngày 18-4, một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị xâm hại và giết chết.
7 trẻ bị xâm hại mỗi ngày
Những năm qua, dù các cơ quan chức năng đã bổ sung, điều chỉnh một số quy định của pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ trẻ (nhất là trẻ em nữ) trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, tăng hình phạt đối với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em… nhưng nhìn chung, loại tội phạm này không có biểu hiện giảm.
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 27-4-2020, bình quân mỗi ngày có 7 trẻ bị xâm hại. Chắc chắn còn có một số trường hợp khác nhưng nạn nhân không tố cáo hoặc có sự thỏa thuận nào đó giữa kẻ phạm tội và gia đình nạn nhân nên không được phát hiện và pháp luật không thể xử lý. Đáng báo động, nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm đến 13,2% (số liệu của Bộ Công an năm 2019).
Để hạn chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tác động về nhận thức để cộng đồng nhận thấy xâm hại tình dục trẻ em thực sự là một tội ác bởi hậu quả của nó có khi tước đoạt mạng sống của trẻ hoặc để lại những di chứng nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. Kể cả hành vi dâm ô, dù có thể chưa gây tổn thương về thể xác nhưng có thể làm trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, tình cảm nghiêm trọng. Gần đây, trên truyền thông, cụm từ "lạm dụng tình dục trẻ em" đã được thay bằng cụm từ "xâm hại tình dục trẻ em", cùng với việc xử lý nghiêm một số vụ án đã ít nhiều có tác động đến nhận thức của người dân.
Song song đó, mỗi gia đình cần có nhiều cách thức bảo vệ trẻ, như dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ, tránh cho trẻ tiếp xúc với phim ảnh có cảnh yêu đương hay quan hệ tình dục từ quá sớm; có sự giám sát lẫn nhau, tránh để người thân thực hiện hành vi xâm hại; lắng nghe trẻ để kịp thời phát hiện các hành vi sai trái có thể đến từ trong cộng đồng hay trong nhà trường… Phải chú ý tránh nguy cơ xâm hại từ khi trẻ còn nhỏ (có trường hợp 3-5 tuổi đã bị xâm hại) hay với những người có quan hệ gần gũi với trẻ (giáo viên, người thân, người được giao trách nhiệm chăm sóc trẻ…), kể cả với các đối tượng là trẻ em khác (có một số trường hợp thủ phạm xâm hại trẻ em cũng chính là trẻ em)…
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu đầy đủ về một số vấn đề có liên quan đến nạn xâm hại trẻ em, như vấn đề dậy thì sớm của trẻ, tác động của phim ảnh khiêu dâm hoặc phim có nhiều cảnh "nóng" trên mạng internet, mối liên hệ giữa đổ vỡ hôn nhân và việc trẻ bị xâm hại…
Hiện trường vụ bé gái 5 tuổi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị xâm hại, giết chếtẢnh: Ngọc Giang
Những khoảng trống cần được điều chỉnh
Ngày 1-10-2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Hướng dẫn này đã quy định rõ hơn nhiều chi tiết theo hướng tăng tính bảo vệ cho trẻ, tăng khả năng xử phạt người có hành vi phạm tội... Chẳng hạn, hướng dẫn nêu: "Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập"; dâm ô "là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục"… Hướng dẫn cũng nêu khá cụ thể và chi tiết về hành vi "Trình diễn khiêu dâm", "Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm", "Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân"…
Tuy nhiên, vẫn cần sửa đổi, bổ sung hoặc có thêm nhiều quy định phù hợp để bảo vệ trẻ. Chẳng hạn, xem xét xử lý hành vi giao cấu đối với người dưới 18 tuổi và trên 16 tuổi, bởi hiện nay các quy định gần như đánh đồng hành vi giao cấu với đối tượng này như với người đủ 18 tuổi (chỉ có hành vi hiếp dâm thì mới có quy định riêng).
Cần có quy định thêm về hành vi xâm hại đối với trẻ dưới 10 tuổi. Hiện nay vẫn còn nhập chung với nhóm trẻ em dưới 13 tuổi, trong khi khoảng cách 10 và 13 tuổi thì khá xa, trừ khoản 3 điều 142 Bộ Luật Hình sự quy định riêng về mức án đối với hành vi hiếp dâm trẻ dưới 10 tuổi.
Xem xét tăng hình phạt đối với một số hành vi nếu để lại hậu quả nghiêm trọng, bằng cách tách riêng các khoản thay vì gộp chung thành ra có khoảng cách mức án quá xa nhau (như phạm tội ở khoản 3 điều 141 có mức án tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân là quá xa nhau)...
Đặc biệt, cần có mức phạt tăng nặng đối với hành vi bỏ mặc nạn nhân sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội; hành vi gian dối, đe dọa để nạn nhân không khai báo hoặc làm sai lệch kết quả điều tra…
Ở hình phạt bổ sung, cần có thêm quy định người phạm tội hiếp dâm còn có thể phải chịu hình phạt tiền, lao động công ích, cách ly khỏi khu vực hoặc nơi có trẻ em…, bên cạnh quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…
Bình luận (0)