Ngày 12-12, luật sư Nguyễn Quốc Cường, đại diện của ông Huỳnh Kim Dũng (nghệ sĩ Duy Phương) đã có buổi trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động xung quanh yêu cầu khởi kiện Đài Truyền hình TP HCM (HTV) và chương trình "Sau ánh hào quang" của Công ty Đông Tây Promotion về việc đưa thông tin một chiều sai sự thật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự và nhân phẩm của ông trong tập 10 của chương trình "Sau ánh hào quang" đã phát sóng.
Tôi đại diện cho ông Duy Phương khởi kiện dựa theo những quy định của pháp luật tại Điều 20, 21 Hiến pháp 2013; Điều 34, 38 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo những điều này: danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
NS Duy Phương và hai nghệ sĩ hài: Mai Thanh Dung, Kiều Mai Lý trong vở "Giấc mộng đêm xuân"
- Vì sao lúc trước ông Duy Phương nói không kiện nhưng nay lại quyết định kiện HTV và chương trình "Sau ánh hào quang"?
- Đối với ông Duy Phương việc khởi kiện không quan trọng. Tuy nhiên, đã 1 tuần từ khi phát sóng tập 10 chương trình "Sau ánh hào quang" vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, công việc làm ăn, sức khỏe và tinh thần của ông Duy Phương. Dù vậy, phía sản xuất chương trình là Công ty Đông Tây Promotion và đơn vị phát sóng là HTV vẫn chưa có thiện chí hay bất cứ động thái nào xin lỗi, khắc phục hậu quả. Ông Duy Phương buộc phải khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Ngoài ra, việc khởi kiện còn là phát súng đầu tiên cảnh tỉnh cho những chương trình xâm phạm đến đời tư cá nhân.
- Trong đơn khởi kiện, ông Duy Phương có những yêu cầu gì?
- Trong đơn khởi kiện, ông Duy Phương thể hiện 4 yêu cầu: HTV và Công ty Đông Tây Promotion phải bác bỏ thông tin liên quan đến chuyện cá nhân, đời sống riêng tư của nghệ sĩ Duy Phương. Hai đơn vị này phải xin lỗi và cải chính thông tin liên quan tới nghệ sĩ Duy Phương được phát sóng trong tập 10 chương trình "Sau ánh hào quang". Hai đơn vị này phải liên đới thu hồi những sản phẩm báo chí liên quan đến Duy Phương từ chương trình “Sau ánh hào quang”. Hai đơn vị này phải bồi thường thiệt hại uy tín, danh dự và nhân phẩm cho Duy Phương.
- Những phát ngôn, thông tin trái chiều trong tập 10 "Sau ánh hào quang" là của bà Lê Giang. Vì sao ông Duy Phương lại kiện HTV và Công ty Đông Tây production?
- Những thông tin một chiều về Duy Phương do Lê Giang chia sẻ nhưng việc phát sóng, lan truyền trong dư luận là do chương trình "Sau ánh hào quang" của Công ty Đông Tây Promotion và Đài truyền hình TP HCM (HTV) thực hiện. Hai đơn vị này phải chịu trách nhiệm cuối cùng về những tổn hại vật chất, tinh thần của nghệ sĩ Duy Phương.
- Ông Duy Phương đòi bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần ra sao, thưa ông?
- Sau khi chương trình phát sóng đã gây nhiều thiệt hại đối với ông Duy Phương. Cụ thể, sự việc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Duy Phương, thậm chí ông phải nhập viện để điều trị. Khi thông tin sai sự thật bị lan truyền, nhiều show diễn của ông Duy Phương phải tạm ngưng, nhiều hợp đồng ký kết cũng bị ảnh hưởng vì nhà sản xuất lo sợ khán giả tẩy chay. Ngoài ra, công việc kinh doanh của Duy Phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại, nghệ sĩ Duy Phương đang thống kê số thiệt hại để đòi khoản tiền bồi thường tương xứng.
Ông Duy Phương cũng đòi bồi thường về tinh thần. Việc đưa thông tin sai sự thật về đời tư cá nhân của Duy Phương lên truyền hình đã ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của ông. Cuộc sống của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Con của Duy Phương cũng vì xấu hổ mà không dám đến trường...
- Xin cảm ơn luật sư!
Điều 21, khoản 1, Hiến Pháp 2013 quy định:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Tại điều 34, Bộ Luật Dân sự 2015 nêu rõ:
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Điều 38, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bình luận (0)