Chiều 18-9, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) cùng đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 1.900 tỉ đồng, tiếp tục phần tranh luận. Bị cáo Nguyễn Thành Tài và cấp dưới giao khu nhà, đất ở địa chỉ số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM (viết tắt: 8-12 Lê Duẩn) vào tay doanh nghiệp tư nhân trái quy định; làm nhà nước thất thoát hơn 1.900 tỉ đồng.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) cho rằng vụ án còn nhiều khúc mắc liên quan đến Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM (Công ty QLKDN) và 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương, gồm Công ty CP Vận tải xăng dầu VITACO, Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Hóa chất vật liệu và Công ty CP Kim khí TP.
Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (ảnh) cho rằng Bộ Công thương có liên quan đến quyết sách thực hiện dự án (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Theo hồ sơ, UBND TP HCM cho 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương thuê khu nhà, đất 8-12 Lê Duẩn. Trên cơ sở đề xuất từ Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP HCM (Ban Chỉ đạo 09), UBND TP thống nhất chủ trương xây khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu đất trên và giao Công ty QLKDN triển khai dự án, tìm kiếm nhà đầu tư.
Năm 2008, UBND TP HCM chấp thuận Công ty CP Hòn Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, kế hoạch không thành do vướng mắc thu hồi mặt bằng. 4 công ty trực thuộc Bộ Công thương đang thuê đất khi đó chây ì, không trả mặt bằng, tiền thuê đất (theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thành Tài). Những doanh nghiệp này đề đạt mong muốn mua chỉ định hoặc tham gia đầu tư dự án. Bộ Công thương cũng đề nghị UBND TP tạo điều kiện hỗ trợ 4 doanh nghiệp được mua chỉ định hoặc tham gia đầu tư dự án.
Năm 2009, UBND TP ra thông báo có nội dung: Công ty QLKDN có quyền liên doanh, liên kết để hợp vốn thực hiện dự án nhưng cần ưu tiên các đơn vị đang thuê sử dụng tại khu vực nhà, đất số 8-12 Lê Duẩn tham gia góp vốn.
Hiện trạng khu đất "vàng" 8-12 Lê Duẩn (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư bào chữa cho bị cáo Thúy cho biết kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ ghi nhận: tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công thương và sau nhiều lần thay đổi chủ trương cùng phương thức đầu tư, tháng 10-2010, UBND TP HCM đồng ý phương án thành lập công ty CP thực hiện dự án. Từ đó, luật sư lập luận việc thay đổi chủ trương, phương thức đầu tư dự án xuất phát từ đề nghị Bộ Công thương gửi UBND TP.
Ngày 17-8-2010, UBND TP HCM chấp thuận Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án. Chỉ ba ngày sau, 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kim Đô. Theo đó, 4 công ty này nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng. Hợp đồng sẽ ký ngay sau khi 4 công ty trở thành cổ đông sáng lập pháp nhân mới (doanh nghiệp thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Công ty QLKDN, Công ty Hoa Tháng Năm và 4 công ty trên - Công ty CP Đầu tư Lavenue).
Đến tháng 1-2011, Công ty CP Đầu tư Lavenue báo cáo UBND TP HCM việc 4 cổ đông sáng lập chuyển nhượng toàn bộ phần vốn điều lệ 50% sang Công ty TNHH Đầu tư Kim Đô (100% vốn tư nhân) với tổng giá trị 250 tỉ đồng. Việc chuyển nhượng này mang đến lợi nhuận 50 tỉ đồng cho mỗi doanh nghiệp trên.
Tại tòa, đại diện những doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương cho biết họ đã chi tiêu hết số lợi nhuận 50 tỉ đồng vào việc xây dựng văn phòng, nộp thuế và chia lợi tức,...
Bình luận (0)