Sáng 13-12, TAND tỉnh An Giang mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu 1.397 bao đường cát và 106 bao quần áo, giày, túi xách, mũ (nón) do bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969; ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu; cùng với sự tham gia của các bị cáo: Nguyễn Hoàng Út, Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền, Trần Văn Phương và Nguyễn Tường Cẩm Tú.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm bọc thuốc khi bị dẫn giải đến tòa.
Tuy nhiên, sau phần xét hỏi lý lịch, nhân thân các bị cáo, đại diện VKSND đề nghị tạm hoãn phiên tòa do vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Sau đó, HĐXX nghị án rồi tuyên bố hoãn phiên tòa.
Các bị cáo tại tòa.
"Trùm" buôn lậu Mười Tường tỏ vẻ mệt mỏi.
Quang cảnh phiên tòa.
Theo cáo trạng, khoảng 9 giờ ngày 23-12-2018, Út kêu Tới đến chốt biên phòng xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang để cảnh giới; đồng thời gọi điện thoại kêu Phương sang Campuchia nhận và giao đường cát lậu, quần áo cũ cho các ghe để chuyển về Việt Nam.
Khoảng 10 giờ cùng ngày, Phương đến Campuchia giao cho ghe của Nguyễn Văn Dũng 106 bao quần áo, giày, túi xách, mũ (nón); ghe của Lê Văn Điện 400 bao đường cát; ghe của Nguyễn Văn Lình 498 bao đường cát; ghe của Trần Văn Tánh 499 bao đường cát.
Tới canh đường tại chốt biên phòng, thấy lực lượng bộ đội biên phòng đã về hết nên điện thoại thông báo cho 4 ghe của Dũng, Điện, Tánh, Lình vượt qua chốt kiểm tra để giao hàng hóa cho Bùi Văn Miền tiếp nhận, vận chuyển đi tiêu thụ các nơi trong và ngoài tỉnh.
Gần 19 giờ, ghe của Dũng, Điện, Tánh, Lình từ Campuchia về đến Kênh Ruộc, xã Phú Hội, thì bị tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an phát hiện, bắt giữ. Lúc này, trên 4 ghe có tổng cộng 1.397 bao đường cát; 106 bao chứa quần áo, giày, túi xách, mũ (nón); tất cả đều không có hóa đơn chứng từ.
Kết quả điều tra còn xác định từ năm 2010 đến năm 2020, "trùm" buôn lậu Mười Tường trực tiếp mua đường cát từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người tại An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, TP Cần Thơ và TP HCM trên 200.000 tấn, giá trị hơn 2.885 tỉ đồng.
Ngoài vụ án "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" đã bị tuyên phạt 8 năm tù và đang bị xét xử vụ án buôn lậu số lượng lớn đường cát, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh còn bị khởi tố ở những vụ án khác, gồm: Buôn lậu 51 kg vàng (năm 2020); vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới (2020); tổ chức cho người khác tốn đi nước ngoài và rửa tiền (2021).
Bình luận (0)