Vừa qua, TAND quận 3 (TP HCM) xử sơ thẩm đã tuyên buộc Công ty TNHH C.L (trụ sở quận 3) phải trả lại cho bà N.T.H (SN 1957; ngụ quận 7, TP HCM) hơn 4,5 tỉ đồng. Việc trả tiền được thực hiện một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực. Kể từ ngày bà H. có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty C.L không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì còn phải trả lãi trên số tiền chậm thanh toán. Hiện số tiền hơn 4,5 tỉ đồng vẫn còn bị phong tỏa tại Ngân hàng TMCP An Bình.
Cú nhầm lẫn bạc tỉ
Theo đơn khởi kiện, ngày 21-5-2018, bà N.T.H đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chuyển ủy nhiệm chi trích từ tài khoản cá nhân của bà. Do sơ suất nên bà H. đã chuyển nhầm vào tài khoản Công ty C.L tại Ngân hàng TMCP An Bình 4,559 tỉ đồng.
Sau khi phát hiện sự nhầm lẫn này, ngay hôm sau, bà H. đến nơi chuyển tiền đề nghị trả lại số tiền đã chuyển nhầm. BIDV đã lập điện tra soát giữa Ngân hàng An Bình để đề nghị hoàn trả số tiền bà H. đã chuyển cho Công ty C.L. Ngân hàng An Bình đã lập lệnh chuyển lại cho bên chuyển nhầm và có biện pháp tạm thời để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, phía công ty không đồng ý trả lại cho bà H. mà còn gây áp lực với Ngân hàng An Bình để rút tiền ra khỏi tài khoản của công ty.
Bà H. trình bày rằng số tiền này lẽ ra bà chuyển cho Công ty TNHH XNK N.L tại BIDV Chi nhánh Thủ Thiêm để góp vốn nắm giữ quyền quản lý, điều hành công ty. Bà H. cho biết thêm đây là lần góp vốn cuối cùng vào Công ty N.L nhưng bà nghe nhầm điện thoại của con trai nên mới có sự nhầm lẫn "chết người" này. Lý giải thêm về việc chuyển nhầm, trước đây con trai bà có giao dịch tại Công ty C.L và 2 lần nhờ bà chuyển tiền với mục đích và nội dung khác, không liên quan đến việc góp vốn của bà ở Công ty N.L. Trước khi xảy ra nhầm lẫn, giữa con trai bà với Công ty C.L đã thanh toán dứt điểm nên không còn liên quan. Do phía Công ty C.L không chịu hoàn trả tiền chuyển nhầm nên bà H. khởi kiện.
Con trai bà H. cũng khẳng định rằng trước đây anh và Công ty C.L có quan hệ giao dịch ngoại tệ nhưng chỉ trao đổi qua lại chứ không có hợp đồng hay bất kỳ thỏa thuận nào. Mỗi khi giao dịch, bà H. là người giúp con trai chuyển tiền cho Công ty C.L. Ngày 21-5-2018, con trai bà H. không yêu cầu mẹ chuyển tiền cho C.L và không có bất kỳ hợp đồng dân sự hay giao dịch dân sự nào với công ty này.
Bản án TAND quận 3, TP HCM tuyên bà N.T.H thắng kiện
Bị đơn liên tục vắng mặt
Sau khi nhận được đơn khởi kiện của bà H., TAND quận 3 đã tống đạt, niêm yết giấy triệu tập, thông báo thụ lý vụ án, tiến hành hòa giải nhưng đại diện pháp luật của Công ty C.L là ông H.N.Q vắng mặt theo triệu tập của tòa nên không thể lấy lời khai của ông Q. Tuy nhiên, Công ty C.L có đơn khiếu nại gửi TAND quận 3, nói rằng giữa công ty và bà H. có thỏa thuận bà H. sẽ chuyển cho công ty 4,56 tỉ đồng. Khi nhận được tin nhắn tiền chuyển vào tài khoản, chiều 22-5-2018, công ty rút tiền thì biết thông tin bị phong tỏa tài khoản. Công ty C.L nói rằng đây là hành vi âm mưu, cố ý nhằm mục đích lấy lại số tiền đã chuyển chứ không phải chuyển nhầm. Khi Công ty C.L khiếu nại, tòa án đã yêu cầu giao nộp các chứng cứ chứng minh bà H. và công ty có quan hệ giao dịch nhưng phía công ty vẫn không thể cung cấp tài liệu hay chứng cứ nào cho tòa.
Phía Công ty N.L xác nhận bà H. đang góp vốn với công ty để nắm giữ quyền điều hành. Bà H. đã 2 lần chuyển tổng cộng 8 tỉ đồng góp vốn và ngày 21-5-2018 là lần góp vốn cuối cùng với số tiền 4,58 tỉ đồng.
Theo Công an quận 3, từ những chứng cứ thu thập được thì chưa đủ căn cứ xác định hành vi của Công ty C.L có dấu hiệu tội phạm chiếm giữ tài sản trái phép.
Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù TAND quận 3 đã gửi thư triệu tập nhưng đại diện Công ty C.L vẫn không đến nên tòa đã xử vắng mặt. HĐXX nhận định Công ty C.L không thể cung cấp những tài liệu, chứng cứ theo nội dung thông báo của tòa để chứng minh việc bà H. và công ty có giao dịch dân sự, nghĩa vụ hoặc các hợp đồng mà bà H. phải thực hiện. Từ đó, TAND quận 3 cho rằng đủ cơ sở xác định giữa bà H. và bị đơn không có giao dịch dân sự, hợp đồng hay nghĩa vụ phải thực hiện. Do đó việc Công ty C.L chiếm hữu hơn 4,5 tỉ đồng mà bà H. đã chuyển nhầm là không có căn cứ pháp luật. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn là Công ty C.L phải có trách nhiệm trả lại hơn 4,5 tỉ đồng cho bà H.
Có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), đối với người chuyển nhầm, nếu phát hiện chuyển nhầm vào tài khoản của ngân hàng hay vào tài khoản khác thì cần nhanh chóng có văn bản thông báo cho bên được chuyển nhầm về sự việc và yêu cầu chuyển lại tiền. Nếu bên được chuyển nhầm không trả, người chuyển nhầm có thể yêu cầu ngân hàng nơi mình thực hiện giao dịch để được hỗ trợ.
Sau đó, nếu việc hỗ trợ của ngân hàng không có hiệu quả thì người chuyển nhầm có thể làm đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu trả lại tài sản. Hoặc người chuyển nhầm có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng để tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người được chuyển nhầm.
Về trách nhiệm pháp lý của người nhận chuyển nhầm tiền của người khác: Pháp luật dân sự và pháp luật hình sự hiện hành đều điều chỉnh về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Theo đó, khi người chuyển nhầm đã yêu cầu hoàn trả số tiền họ chuyển nhầm thì người nhận chuyển nhầm có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã nhận. Nếu cố tình không trả lại cho chủ sở hữu và người chuyển nhầm khởi kiện ra tòa thì khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh, người nhận chuyển nhầm phải hoàn trả theo bản án, quyết định của tòa án.
Mặt khác, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tại điều 176 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm và giá trị tài sản chiếm giữ mà người này có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù 3 tháng đến 5 năm.
Bình luận (0)