VKSND TP HCM vừa kháng nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với Đinh Bá Tưởng (SN 1984), Trần Quốc Tuấn (SN 1976), Nguyễn Văn Lượng (SN 1981), Lê Hồng Đông (SN 1987) và Lương Hoài Tiến (SN 1992) về 2 tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản”.
Mức án không đủ sức răn đe
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị mức án từ 3 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với các bị cáo này về 2 tội danh trên nhưng TAND cùng cấp chỉ tuyên phạt Tưởng 18 tháng tù, Tuấn 15 tháng tù cho hưởng án treo; Lượng, Đông và Tiến cùng mức án 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Đầu năm 2015, Đinh Bá Tưởng tổ chức cho vay trả góp lãi suất 15%/tháng với hình thức lãi nhập vốn, người vay thế chấp CMND và sổ hộ khẩu. Để quản lý việc cho vay và thu tiền, Tưởng thuê Tiến, Đông và Lượng phụ việc.
Đến tháng 10-2015, Tưởng hướng dẫn Tuấn đến huyện Củ Chi, TP HCM để bành trướng mô hình cho vay. Do người vay tiền không thanh toán đúng như thỏa thuận, Tưởng nhiều lần đến nhà đòi và đe dọa đập phá tài sản.
Chỉ trong một thời gian ngắn, băng nhóm này đã thực hiện 7 vụ tấn công, đập phá và hủy hoại tài sản của những người vay nợ. Ngoài ra, Tưởng và Tuấn còn tổ chức cho vay trái phép với mức lãi suất cao. Tuy nhiên, do biên nhận không ghi nội dung, lãi suất vay, lời khai giữa các bên về nội dung vay tiền còn nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Cho vay nặng lãi”. Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp tục điều tra và sẽ có hình thức xử lý sau.
Theo VKSND TP HCM, việc TAND TP nhận định tại bản án sơ thẩm hành vi của các bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” là chưa đúng với phân tích tại phần nhận định của bản án. Ngoài ra, kết luận của Hội đồng Định giá trong tố tụng hình sự của UBND huyện Củ Chi là văn bản pháp lý nhưng HĐXX không thừa nhận kết luận và không xử tội “Hủy hoại tài sản” là không đúng với hành vi, tính chất, mức độ phạm tội của Tưởng và đồng phạm.
VKSND TP HCM cho rằng hành vi của Tưởng và đồng phạm thể hiện tính chất côn đồ, ngang ngược. Chỉ trong thời gian 90 phút mà 10 đối tượng trong băng nhóm này đi trên nhiều xe máy, di chuyển qua 4 xã của huyện Củ Chi để hành động. Cụ thể, chúng phân công người cảnh giới, số còn lại vào nhà con nợ dùng gạch đá, mảnh vỡ chậu cây kiểng đập phá cửa kính để đe dọa, buộc trả tiền, gây mất trật tự trị an cả vùng nông thôn. Vì vậy, việc TAND
TP HCM áp dụng mức hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo là chưa đúng với hành vi, mức độ phạm tội, không đủ sức răn đe.
Ngăn chặn từ gốc
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết để xử lý được vấn đề cho vay nặng lãi, đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà quan trọng là người cho vay là ai? Họ thu tiền thế nào? Đây là công việc mà Công an TP HCM rất trăn trở và theo dõi sát sao. “Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ những doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh cầm cố để họ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ siết chặt quản lý về nhân thân những người thực hiện công việc này. Ví dụ, người có lý lịch tư pháp tốt thì hoạt động sẽ khác hơn những người có nhân thân xấu” - ông Phong nói.
Theo Trung tướng Lê Đông Phong, kinh doanh cho vay nặng lãi, kể cả có đăng ký dưới dạng cầm đồ, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật. Việc xử lý sai phạm này theo quy định của pháp luật nhưng phải mang tính nghiêm khắc, răn đe. “Đây là vấn đề rất nóng, mong báo chí quan tâm tuyên truyền, phản ánh để ngăn chặn nguồn gốc phát sinh loại tội phạm này” - ông Phong nhấn mạnh.
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện nay, các băng nhóm cho vay nặng lãi nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật để hoạt động một cách tinh vi và khi cơ quan chức năng phát hiện thì rất khó xử lý. Khi ra đường, chúng ta thấy rất nhiều tờ rơi, tờ quảng cáo cho vay chỉ cần CMND và hộ khẩu. Sau khi xác minh nhanh, chỉ trong vòng vài giờ là người vay có thể nhận được tiền và rơi vào vòng xoáy lãi cao của các băng nhóm. Vì muốn vay nóng nên nhiều người đã chấp nhận lãi suất cao ngất ngưởng, khi không còn khả năng chi trả thì bị đe dọa, truy sát... “Có thể thấy rằng những trường hợp chấp nhận vay tiền lãi suất cao thường là người lao động, ít am tường pháp luật. Vì vậy, để hạn chế sự bành trướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi thì ngoài việc xử lý thật nghiêm, cần tuyên truyền thường xuyên cho người dân cảnh giác, không vì dễ vay mà chấp nhận đánh cược mạng sống của mình” - luật sư Thi khuyến cáo.
Quản lý kỹ giấy tờ nhà, đất
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, cần tuyên truyền để người dân không dễ dãi cho người khác mượn giấy tờ nhà, giấy tờ đất, xe cộ vì có một số trường hợp sơ hở để người thân lấy được giấy tờ nhà đi vay nóng và khi giang hồ đến đòi nợ đã gây không ít phiền toái.
“Một giải pháp cần làm là siết chặt việc quản lý hành chính, quản lý nhân khẩu ở các chung cư, khu dân cư. Công an TP HCM cần phối hợp với các cơ quan chức năng khác giải quyết rốt ráo vấn đề, xử lý thật nghiêm khắc những hành vi sai phạm để mang lại cuộc sống yên bình cho người dân” - luật sư Thi nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-1
Bình luận (0)