Một trong những điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép là tại tuyến đê tả dọc sông Thái Bình, đoạn qua xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Cuộc sống đảo lộn
Tình trạng “cát tặc” ngày đêm khai thác hết công suất đã khiến đất lở tiến sát vào chân đê. Toàn khu bãi Soi có 24 hộ dân đấu thầu lại để canh tác. Tính đến thời điểm này, hộ mất ít nhất do hệ quả của nạn khai thác cát trái phép cũng trên 5 sào, hộ mất nhiều nhất là gần 2 mẫu ruộng.
Trước năm 2013, khu vực bãi Soi của thôn Đình, xã Thái Tân có khoảng gần 40 mẫu ruộng. Đến tháng 7-2016, diện tích này chỉ còn 4,7 mẫu và nay thì chưa đến 4 mẫu. Như vậy, diện tích canh tác của bà con đã bị thu hẹp khoảng 10 lần.
Xã Thái Tân có 6 km đê sông với 157 ha đất bãi. Theo thống kê của UBND xã Thái Tân, từ năm 2010 đến nay, xã đã mất 1/3 diện tích đất bãi (khoảng 55 ha). Nếu như trước năm 2013, khoảng cách từ khu vực đê Bối đến đê sông Thái Bình ở thôn Đình dài 280 m thì nay bị thu lại còn gần 40 m, có những điểm chỉ 17 m. Giờ đây, “cát tặc” đã gây ra những vũng sâu, đất lở tiến sát vào chân đê.
Bà Nguyễn Thị Lâu (ngụ thôn Tân Thắng, xã Thái Tân) bức xúc: “Cuộc sống, hoạt động trồng trọt của chúng tôi bị đảo lộn vì nạn khai thác cát trái phép. Có những ngày, “cát tặc” tổ chức đến 10 tàu hút cát dưới sông. Chúng tôi phải góp tiền thuê người trông coi nhưng chúng vẫn hoành hoành”.
Theo ông Đinh Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân, lực lượng của địa phương chủ yếu là dân quân thường trực và công an viên nhưng chỉ đứng ở trên bờ xua đuổi. Khi thấy lực lượng chức năng, các tàu khai thác cát lùi ra giữa lòng sông khoảng 30-40 m nên không làm gì được.
Tại tuyến đê tả sông Thái Bình, thuộc xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, hàng trăm mẫu đất canh tác bị dòng sông “nuốt chửng” do tình trạng khai thác cát trái phép, ngay sát chân đê là những vũng sâu.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy khu vực bãi Soi, xã Phượng Hoàng có chiều dài gần 5,8 km với tổng diện tích khoảng 80 ha đất đai màu mỡ, phù hợp trồng nhiều loại cây và rau màu cho thu nhập cao đã ngày càng bị thu hẹp.
Theo phản ánh của người dân, tại khu vực này, hằng đêm vẫn có hàng chục tàu hút cát, sâu vào bãi tới hàng trăm mét. Để bảo vệ ruộng canh tác, người dân đã nhiều lần phải dùng đến gạch đá, thậm chí cả chai xăng để xua đuổi tàu hút cát nhưng cũng không hiệu quả. Thậm chí, “cát tặc” còn thuê côn đồ đe dọa, hành hung người dân.
Nhiều vướng mắc
Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết địa phương có 72 km đê bao, địa bàn quản lý rộng, cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành huyện đều kiêm nhiệm. Do đó, việc kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn. Một số xã có địa bàn phức tạp nên việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn tình trạng vi phạm và xử lý chưa triệt để như Việt Hồng, Thanh Bính, Phượng Hoàng và Thanh An. Cùng với đó, lực lượng an ninh xã mỏng, thiếu phương tiện di chuyển trên sông để tiếp cận các tàu thuyền khai thác cát trái phép; khó khăn về kinh phí để chi cho các lực lượng trực, kiểm tra; các chủ tàu thường tổ chức hoạt động khai thác cát vào ban đêm, báo nhau biết khi đoàn kiểm tra liên ngành đến.
Đánh giá thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, đại diện UBND tỉnh Hải Dương nói: “Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở một số địa phương, ngày càng tăng về số điểm, phương tiện khai thác và bến bãi tập kết. Tại một số khu vực trọng điểm thuộc các xã - phường như Nhị Châu, Nam Đồng (TP Hải Dương); Đại Đồng, Tứ Xuyên, Bình Lãng, Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ); Cổ Dũng, Đại Đức (huyện Kim Thành)... và một số tuyến sông giáp ranh, địa bàn trọng điểm các huyện Tứ Kỳ, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách đã xuất hiện các đối tượng tranh giành địa bàn khai thác cát trái phép, thanh toán lẫn nhau, chống người thi hành công vụ gây mất trật tự an toàn xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa nghiêm minh; pháp luật còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, đồng bộ; hình thức xử phạt chưa có tính răn đe cao; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế...”.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn”. Ban Chỉ đạo đề án của tỉnh Hải Dương giao Công an tỉnh chủ trì triển khai kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm về khai thác cát trái phép.
Theo đó, Công an tỉnh Hải Dương sẽ xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm; điều tra, phối hợp đưa ra xét xử các vụ án liên quan; tăng cường đấu tranh với hoạt động bảo kê, sử dụng vũ khí để tranh giành khai thác cát...
Vi phạm nhiều lần
Số liệu thống kê từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy hoạt động khai thác cát trái phép trên một số tuyến sông của tỉnh Hải Dương diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự và bức xúc trong dư luận. Lực lượng CSGT Đường thủy - Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ, xử lý 75 trường hợp khai thác cát trái phép, phạt hơn 1,3 tỉ đồng.
Tính đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã tổ chức 204 cuộc kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 188 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, hoạt động này đang có xu hướng tăng trở lại. Thời gian qua, có những trường hợp vi phạm nhiều lần, gây nhiều hậu quả song xử lý quá nhẹ khiến “cát tặc” không sợ, sẵn sàng vi phạm nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần vì nếu bị phạt tiền thì cũng không đáng kể so với lợi nhuận thu được.
Bình luận (0)