Theo đơn phản ánh của bà Dương Kim Châu (82 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), con gái bà là Bùi Thị Vàng (SN 1970) và Phạm Mỹ Hiền (SN 1994, con bà Vàng) bán nước mía trước nhà bà tại số 25 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp.
Hết thời hạn điều tra?
Trưa 22-1-2015, người mua nước mía đứng kín lối ra vào nhà nên ông Bùi Tấn Cang (SN 1967, anh bà Vàng) ra nhắc nhở. Lúc này, bà Vàng và Hiền chửi thề, cầm cây mía xông vào đánh ông Cang ngã xuống đất. Thấy vậy, bà Châu ra can ngăn thì cũng bị bà Vàng và Hiền dùng cây mía đánh tới tấp.
Chưa dừng lại, bà Vàng và Hiền còn tiếp tục giẫm đạp lên mặt, bụng bà Châu. Hậu quả, bà Châu bị chảy máu miệng, bầm mắt và được người dân đưa đi cấp cứu. Đến ngày 11-3-2015, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp mời bà Châu và ông Cang lên lấy lời khai, giới thiệu đi giám định tỉ lệ thương tật. Theo đó, bà Châu bị thương tật 15%, gãy cung gò má phải, vỡ thành hốc mắt phải. Ngày 31-7-2015, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp cho biết qua thu thập chứng cứ, bà Vàng và Hiền không thừa nhận việc đánh bà Châu. Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng chỉ thấy bà Châu ngã và có đến can ngăn; thời hạn điều tra đã hết nên ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Sau đó, bà Châu làm đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ điều tra nhưng bị Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp bác bỏ.
Không đồng ý, bà Châu tiếp tục làm đơn gửi Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp. Đến ngày 28-3-2016, VKSND quận Gò Vấp giữ nguyên quyết định tạm đình chỉ điều tra và quyết định giải quyết khiếu nại của Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp.
Nhân chứng thấy bà Châu bị đánh
Bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1944) cho biết mình chứng kiến từ đầu sự việc. Theo đó, bà Hiền thấy Bùi Thị Vàng và Phạm Mỹ Hiền mỗi người cầm một cây mía đánh tới tấp vào người bà Châu và ông Cang khiến 2 nạn nhân ngã xuống đất. “Mặc dù bà Châu bị ngã nhưng bà Vàng và Hiền vẫn đạp túi bụi lên người. Tôi hoảng quá nhưng vì chân đau, không đi được nên hô hoán để người dân đến cứu bà Châu. Vừa được dìu ngồi xuống, máu ở mũi, miệng bà Châu ọc ra nhiều nên tôi kêu mọi người đưa đi cấp cứu” - bà Hiền kể.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (SN 1977) cũng xác nhận thấy bà Vàng và Hiền dùng cây mía đánh bà Châu và ông Cang. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Dương Kim Châu nghẹn ngào: “Tôi có 7 người con, đứa nào cũng được dựng vợ, gả chồng và cho một căn nhà riêng. Vàng là đứa con gái có phận đời long đong nên tôi ưu ái rất nhiều thứ như cho sử dụng mặt tiền nhà để bán cơm. Tuy nhiên, do Vàng làm ăn thua lỗ, nợ nần gây phiền toái đến gia đình nên tôi lấy lại mặt bằng. Sau đó, Vàng sử dụng một phần nhỏ mặt tiền nhà để bán nước mía và có tư tưởng oán hận nên thường xuyên chửi bới, thậm chí đánh tôi gây thương tích”.
Theo bà Châu, khi bà gửi đơn tố cáo thì bà Vàng tiếp tục khiêu khích, mắng chửi thậm tệ, gây xào xáo với những anh em khác trong gia đình. Đến ngày 17-10, bà Châu đang ngồi ở con hẻm trước nhà thì bà Vàng ném ghế ra đường, sau đó cùng ông Bùi Tấn Anh (SN 1963, anh bà Vàng) hỗn chiến với ông Bùi Tấn Cang khiến ông Cang bị gãy xương sườn số 9, còn bà Châu ngã gây chấn thương vùng bụng. Toàn bộ cuộc hỗn chiến có camera gần đó ghi lại và được Công an phường 4, quận Gò Vấp thu giữ.
Ông Bùi Tấn Cang và bà Dương Kim Châu đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp tố cáo hành vi của bà Vàng và những người liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Có thể yêu cầu giám định thương tích
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), trong vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp đã chậm triển khai công tác xử lý và truy cứu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm pháp luật của bà Vàng và Hiền. Chỉ riêng việc hơn 1 tháng 20 ngày, Công an quận Gò Vấp mới giao quyết định để bà Châu đi giám định thương tích là quá chậm. Tuy nhiên, với thương tích 15% là đủ định lượng về thương tích nên Công an quận Gò Vấp đã khởi tố vụ án là có cơ sở nhưng sau đó lại đình chỉ vì hết thời hạn là rất bất thường.
Không thể khẳng định việc tạm đình chỉ vụ án của Công an quận Gò Vấp là đúng hay sai nhưng rõ ràng với 2 nhân chứng và khá nhiều sự liên quan về thương tích, vật gây ra thương tích, đối tượng... là có khá nhiều cơ sở để quy buộc và điều tra. Bởi ngoài 2 nhân chứng thì lời khai của 2 bị hại là bà Châu và ông Cang cũng là nguồn dữ liệu quan trọng khi đối chiếu những lời khai của nhân chứng với bị hại, nghi can sẽ tìm ra được mối liên hệ và các dấu hiệu để có thể truy nguyên các thương tích do đối tượng nào gây ra.
Ở đây, với thương tích 15% đã thỏa mãn định lượng theo khoản 1, điều 109 Bộ luật Hình sự quy định về khung hình phạt nên nếu chứng minh được bà Vàng gây ra thương tích với mẹ của mình còn là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h, khoản 1, điều 48 Bộ Luật Hình sự.
Về phía người dân, cũng cần phải biết quyền của mình trong trường hợp này để tố cáo hay yêu cầu giám định thương tích để có cơ sở tố cáo đến công an. Căn cứ vào điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012 thì ông Cang có quyền yêu cầu Công an quận Gò Vấp trưng cầu giám định thương tích của mình.
Nếu quá 7 ngày mà công an không thực hiện thủ tục giám định hay bác bỏ yêu cầu giám định thì ông Cang có quyền tự mình thực hiện việc giám định tại cơ quan giám định tư pháp. Từ đó, có thể gửi kết quả này đến Công an quận Gò Vấp để yêu cầu khởi tố vụ án khi đủ điều kiện luật định.
Bình luận (0)