Ngày 13-11, TAND quận 1, TP HCM đã đưa vụ án “Chống người thi hành công vụ” ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Minh Tiến (SN 1986, ngụ quận 1). Trong khi tiến hành phần xét hỏi, HĐXX đã tuyên hoãn phiên tòa để làm rõ một số vấn đề, trong đó có tình tiết 1 hành vi vi phạm nhưng CSGT lập 2 biên bản vi phạm hành chính. Đây là lần thứ hai phải hoãn phiên tòa (phiên xử đầu tiên vào tháng 9-2013).
Mắng chửi, đánh CSGT
Theo cáo trạng của VKSND quận 1, lúc 23 giờ ngày 23-2-2013, tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Công an TP HCM đang làm nhiệm vụ tại vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ phát hiện Nguyễn Hoàng Minh Tiến chạy xe trên lề đường Điện Biên Phủ hướng từ đường Mai Thị Lựu về Hàng Xanh chở phía sau là Nguyễn Công Đức (anh trai của Tiến). CSGT Phạm Minh Phước dùng gậy ra hiệu cho Tiến dừng xe để kiểm tra giấy tờ và Tiến đã đánh vào mặt anh Phước. Thấy vậy, ông Nguyễn Thanh Việt (đội phó đội tuần tra) mặc thường phục đến hỏi, bị Tiến đá 2 cái. Ngoài ra, Tiến còn có hành vi đạp xe CSGT và cắn 2 chiến sĩ cảnh sát cơ động khác của đội tuần tra.
Trình bày với HĐXX, CSGT Phạm Minh Phước cho biết: “Khi thấy Tiến chạy xe từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quẹo qua trụ ATM tại vòng xoay và chạy ngược chiều trên lề đường Điện Biên Phủ hướng về đường Mai Thị Lựu, tôi ra hiệu dừng xe để kiểm tra giấy tờ nhưng Tiến đã có lời lẽ không hay, đồng thời đấm vào mặt tôi”.
Trong khi đó, bị cáo Tiến cho rằng cáo trạng của VKSND quận 1 không khách quan, không đúng sự thật nên khi được VKSND quận 1 tống đạt cáo trạng tại trại tạm giam Công an quận 1, bị cáo đã không nhận. “Bị cáo không có đánh CSGT. Ngoài ra, lời khai của anh Phước không chính xác, trái ngược với lời khai của các nhân chứng mà tòa công bố” - bị cáo Tiến nói.
Theo Tiến, tại tòa, anh Phước khai bị cáo chạy xe ngược chiều trên lề đường Điện Biên Phủ hướng về đường Mai Thị Lựu nhưng các nhân chứng lại khai thấy bị cáo chạy trên đường Điện Biên Phủ hướng từ Mai Thị Lựu về Hàng Xanh (cáo trạng cũng ghi như vậy - PV).
Trả lời về việc có xô xát với CSGT hay không, người nhà bị cáo Tiến nói: “Lúc CSGT đến yêu cầu kiểm tra giấy tờ, Tiến nói không mang theo, nhà gần đây nên xin về lấy. Tuy nhiên, các CSGT đã giằng co, xô đẩy khiến sự việc càng lúc càng xấu, dẫn đến hành vi mắng chửi và xô đẩy với CSGT”.
Một biên bản cho người vi phạm, một cho CQĐT
Trong đó, biên bản số 0019685 không ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp của người vi phạm, không có chữ ký của người vi phạm, chỉ ghi những lỗi vi phạm như: đi trên hè phố, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông, không giấy đăng ký và bằng lái, không chứng minh nhân dân, không bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Dòng chữ “chống người thi hành công vụ được ghi nhỏ hơn và “đánh cảnh sát” ghi theo chiều dọc mép bên phải của biên bản.
Bị cáo Tiến cũng cho rằng mình không cắn cảnh sát cơ động, “nếu có, sao lúc đó không lập biên bản quả tang tại phường mà phải hôm sau mới lập hồ sơ như vậy?”. Vấn đề này được HĐXX lý giải: “Do lúc đó cảnh sát phải làm việc, sáng hôm sau lập biên bản cũng là hợp lý” (!?).
Lời khai của nhân chứng rất quan trọng Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), việc lập biên bản mà không có chữ ký của người vi phạm được sử dụng trong các trường hợp người vi phạm không chịu ký và phải có 2 người làm chứng. Đối chiếu quy định, biên bản trên đã đúng ở nội dung này. Về việc đơn vị xử lý lập 2 biên bản, nếu nội dung 2 biên bản giống nhau thì có giá trị pháp lý. Trường hợp khác nhau, biên bản giữ lại (hiện chuyển qua CQĐT để xử lý hành vi chống người thi hành công vụ) có các nội dung thêm thì biên bản này không có giá trị pháp lý ở những nội dung thêm. Quan sát về cỡ chữ “chống người thi hành công vụ, đánh cảnh sát” trong biên bản giao cho người vi phạm thấy rất khác lạ và không có các chữ ký xác nhận rất dễ gây nghi vấn cho bất cứ ai. Vì vậy, cần đối chiếu 2 biên bản để tìm sự thật. Ngoài ra, với vụ án chống người thi hành công vụ từ các hành vi như báo miêu tả, để truy cứu trách nhiệm hình sự của người đã thực hiện hành vi sai trái ấy còn phải thu thập nhiều thông tin liên quan để chứng minh. Lời khai của những người làm chứng rất quan trọng để từ đó xác định có hay không có hành vi xảy ra, mức độ có tương ứng với quy định pháp luật về cấu thành tội phạm, từ đó mới xác định có tội phạm xảy ra hay không. |
Bình luận (0)