xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một quyết định nhiều tranh cãi ở Bình Dương

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Công bố nước mắm nhiễm thạch tín dựa trên hàm lượng “asen tổng” là sai nhưng Công an Bình Dương lại dựa vào đó để xử phạt

Cứ tưởng các cơ sở sản xuất nước mắm đã thở phào nhẹ nhõm sau khi các cơ quan nhà nước kết luận việc VINATAS công bố nước mắm nhiễm thạch tín dựa trên hàm lượng “asen tổng” là sai. Các nhà chuyên môn cũng đã lên tiếng khẳng định nước mắm có độ đạm cao thì asen hữu cơ (có trong cá biển) sẽ cao nên dẫn đến “asen tổng” cao. Asen trong nước mắm chỉ gây hại khi đó là asen vô cơ. Ấy vậy mà một cơ sở sản xuất nước mắm tại Bình Dương lại vừa bị xử phạt dựa trên kết quả kiểm nghiệm asen tổng!

Kêu oan

Ông Lý Trường Trung - chủ cơ sở T.T.P chuyên sản xuất các loại nước mắm, nước tương đóng chai (xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) - đang khiếu nại việc Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt cơ sở mình. Quyết định này được lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương ký ngày 9-12-2016 (sau thời điểm Thủ tướng chỉ đạo xử lý VINATAS công bố thông tin sai)

Mẫu nước mắm cá cơm và mắm tôm bị cho là nhiễm asen được lưu giữ tại cơ sở ông Trung
Mẫu nước mắm cá cơm và mắm tôm bị cho là nhiễm asen được lưu giữ tại cơ sở ông Trung

Theo đơn khiếu nại của ông Trung, ngày 18-10-2016, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra đột xuất cơ sở T.T.P. Cơ quan công an cho rằng cơ sở này thiếu giấy tờ “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” đối với sản phẩm mắm tôm, giấm (sau đó hành vi này bị phạt 12,5 triệu đồng). Đoàn kiểm tra lấy mẫu nước thải tại hồ tự thấm (chứa nước thải sinh hoạt của công nhân và nước rửa chai lọ), lấy mẫu sản phẩm nước mắm cá cơm, mắm tôm, tương ớt, giấm gửi đi kiểm nghiệm đồng thời niêm phong hàng hóa tại cơ sở.

Kết quả cho thấy mẫu nước thải lấy tại hồ tự thấm có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật (sau đó hành vi này bị phạt 15,6 triệu đồng). Liên quan đến các mẫu sản phẩm, PC49 đã gửi mẫu đến Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (Khu Công nghệ cao; quận 9, TP HCM) kiểm nghiệm. Kết quả cho rằng trong mẫu mắm cá cơm có độ đạm 10,8 g/lít, chỉ tiêu asen vượt ngưỡng 1,17 lần so với quy chuẩn cho phép là 1, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm (gọi tắt là QCVN 8-2:2011/BYT). Đối với mẫu mắm tôm, chỉ tiêu asen được kết luận vượt 1,3 lần so với quy chuẩn là 1. Mẫu tương ớt có chỉ tiêu natri benzoat vượt 1,192 lần so với quy chuẩn cho phép là 1. Do 3 mẫu trên vượt tổng quy chuẩn nên quyết định xử phạt yêu cầu cơ sở của ông Trung nộp phạt 1,75 triệu đồng.

Ông Trung không đồng ý đóng phạt vì cho rằng cả 3 lỗi mà mình bị “bắt” đều cần phải xem lại. Riêng việc phạt vì asen vượt ngưỡng, theo ông Trung là không phù hợp. Ông Trung nói: “Sản phẩm mắm tôm và mắm cá cơm mà tôi sản xuất đều có độ đạm khá cao do nguồn gốc nguyên liệu là tôm, cá biển. Mà nguyên liệu như vậy sẽ có asen hữu cơ, đây là loại asen vô hại. Còn kết quả kiểm nghiệm không ghi rõ là asen gì. Tôi thấy không thuyết phục!”.

Hiểu nhầm?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, xác nhận kết quả thử nghiệm asen trong mẫu mắm tôm và mắm cá cơm sản xuất tại cơ sở T.T.P là asen tổng. Thời điểm PC49 Công an tỉnh Bình Dương gửi mẫu đến kiểm nghiệm công ty này chưa có thiết bị phân tích rõ đó là asen hữu cơ hay vô cơ. Theo ông Hải, công ty đã nói rõ với phía công an kết quả cho ra là asen tổng. Còn việc có vận dụng kết quả đó để xử phạt hay không là chuyện của công an.

Ông Trung đang chờ kết quả trả lời khiếu nại
Ông Trung đang chờ kết quả trả lời khiếu nại

Công an tỉnh Bình Dương xử phạt lỗi asen là căn cứ vào ngưỡng asen được quy định theo QCVN 8-2:2011/BYT (giới hạn asen trong nước chấm là 1 mg/lít). Vậy ngưỡng này có phải là ngưỡng cho asen tổng?

Theo ThS Lưu Đình Lệ Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Dương, quy chuẩn trên về mặt câu chữ chưa thật sự rõ ràng nhưng bà và giới chuyên môn đều hiểu ngưỡng đó là ngưỡng asen vô cơ chứ không phải là asen tổng (gồm cả hữu cơ và vô cơ - PV). Trao đổi với phóng viên, cả đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Dương và đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương đều cho rằng việc dùng chỉ tiêu asen tổng để xử phạt là không ổn!

Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành khẳng định trước giờ, ông chưa từng nghe bất kỳ cơ sở, doanh nghiệp làm nước mắm nào lại bị xử phạt vì asen tổng. Ông nói: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kim loại nặng trong thực phẩm đã nêu rõ phần ghi chú của mục “Lượng ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được tạm thời” đối với asen là tính theo asen vô cơ. Trong khi các kim loại nặng khác như cadimi, chì và thiếc cũng có dạng hữu cơ và vô cơ nhưng lại không có ghi chú này. Như thế phải hiểu trong suốt quy chuẩn, nếu đề cập ngưỡng asen thì đó là asen vô cơ. Asen trong cá hay nước mắm hầu hết là dạng asen hữu cơ không độc hại. Điều này khoa học khẳng định từ lâu rồi”.

Tuần sau sẽ rõ trắng đen!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo PC49 Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã thụ lý đơn khiếu nại của ông Trung. “Tuần sau, chúng tôi sẽ trả lời khiếu nại và có hướng giải quyết phù hợp chuyện này. Kết quả ra sao tôi cũng thông tin cho cơ quan báo chí” - lãnh đạo PC49 nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo