Với dáng vẻ mệt mỏi, ông Tu Ngọc Hoài (cha của em Thạch) cho biết: "Gần 4 năm qua, tôi đã dự 6 phiên tòa. Mỗi lần dự tòa là một lần đau xót khi nghĩ về đứa con đã mất. Gia đình cũng mong cái chết của con tôi được rõ ràng, sớm kết thúc vụ án".
Bị cáo Lê Tấn Khỏe bị bắt khi 14 tuổi, đến nay đã 18 tuổi
Bản án sơ thẩm lần 3 vào ngày 10-5-2017 cho rằng ngày 29-12-2013, do mâu thuẫn cá nhân, Lê Tấn Khỏe (SN 1999; ngụ xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng đầu em Tu Ngọc Thạch. Hay tin, Lê Minh Phát (nguyên công an viên xã Vạn Long) liền tìm bắt em Thạch, dùng tay chân đánh và đưa về trụ sở Công an xã Vạn Long. Khi về nhà, em Thạch nôn ói phải đi cấp cứu và tử vong ngày 31-12-2013. TAND huyện Vạn Ninh tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát 7 năm 3 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích" và 1 năm tù về tội "Bắt người trái pháp luật"; Lê Tấn Khỏe 2 năm 8 tháng 7 ngày tù về tội "Cố ý gây thương tích". Bị cáo Khỏe kháng cáo kêu oan.
Trong khi đó, tại phiên phúc thẩm lần 3, HĐXX cho rằng việc xác định nguyên nhân cái chết của em Thạch không rõ ràng, chưa chính xác nên cần hủy án để điều tra bổ sung. Kết luận pháp y khẳng định em Thạch chết là do chấn thương sọ não vì vật tày tác động vào vùng đầu. Tuy nhiên, HĐXX không xác định được vết thương nào do bị cáo Khỏe gây ra; còn vết thương 0,2 x 0,5 cm trên đỉnh đầu, giám định viên xác định không gây ra cái chết của nạn nhân.
Liên quan đến vụ án này, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng không có yếu tố đồng phạm. Hậu quả do Lê Tấn Khỏe gây ra chưa thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm và chưa đủ căn cứ xử bị cáo này tội "Cố ý gây thương tích". Bên cạnh đó, bị cáo Lê Minh Phát có dấu hiệu của tội "Giết người".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Quốc Tuấn (bào chữa cho bị cáo Khỏe) cho rằng cả 3 phiên tòa sơ thẩm đều không chứng minh được vỏ chai nước mà Khỏe ném trúng Thạch ở vị trí nào, gây ra tổn thương gì, có quan hệ gì đến nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Hai bị cáo của vụ án không phải đồng phạm vì sự việc xảy ra ở 2 thời điểm, 2 địa điểm khác nhau, không hề biết hành động của nhau. Các bị cáo không phải cùng chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả cuối cùng xảy ra. Do đó, cần cụ thể hóa trách nhiệm của mỗi bị cáo. "TAND huyện Vạn Ninh có dấu hiệu ra bản án trái pháp luật" - luật sư Tuấn nói.
Bình luận (0)