Ông Nguyễn Văn Trung (SN 1965, tỉnh An Giang) vừa có đơn gửi đến Báo Người Lao Động “tố” vụ ông kiện Công ty Vận tải tốc hành (VTTH) Mai Linh (quận 10, TP HCM) bị kéo dài với nhiều khuất tất.
Bắt chẹt
Theo ông Trung, năm 2005, ông được Công ty VTTH Mai Linh ký hợp đồng có thời hạn 2 năm, nhiệm vụ lái xe khách loại 16 chỗ chạy tuyến An Giang - TP HCM (chi nhánh tỉnh An Giang). Theo quy định, khi được nhận vào làm, ông Trung phải đóng 15 triệu đồng tiền thế chân. Năm 2007, ông Trung tiếp tục được công ty ký hợp đồng lao động đến năm 2009, chuyển sang lái xe khách loại 47 chỗ và thế chân thêm 10 triệu đồng.
“Thời điểm đó, công ty còn ổn định, tôi chăm chỉ làm việc nên được lãnh đạo tin tưởng. Tôi còn được công ty vinh danh và tặng giấy khen vì đạt danh hiệu lao động xuất sắc cấp khu vực năm 2006 ở tỉnh An Giang. Tuy nhiên, làm việc ở quê nhà được một thời gian thì tôi được lãnh đạo công ty điều chuyển lên TP HCM lái xe với lý do công ty đang gặp khó khăn. Nhận được quyết định này, tôi rất buồn và lo lắng vì phải xa vợ con, công việc không biết như thế nào” - ông Trung trình bày.
Ông Trung kể tiếp năm 2009, sau khi lên TP HCM, ông được yêu cầu chạy xe 16 chỗ, tuyến Bến xe Miền Đông - Phan Thiết (Bình Thuận). Tuy nhiên, tháng 1-2013, ông Trung bất ngờ nhận được Quyết định số 208/QĐKL - MLE về kỷ luật khiển trách vì “chở khách không đúng quy định công ty trong ca kinh doanh ngày 27-10-2013”. Đến ngày 11-4-2014, ông Trung vừa chạy xe về Bến xe Miền Đông thì bị kỷ luật sa thải về hành vi “chở khách không đúng quy định công ty trong ca kinh doanh ngày 28-3-2014”.
Đáng nói, trong 2 lần ra quyết định này, Công ty VTTH Mai Linh còn yêu cầu ông Trung bồi thường dân sự 20 triệu đồng bằng cách trừ vào tiền thế chân (10 triệu đồng) và tiền lương 2 tháng (gồm tháng 3 và tháng 4-2014, tương đương 10 triệu đồng) công ty chưa thanh toán cho ông Trung. Ngoài ra, còn một số tiền khác như: BHXH, trợ cấp thất nghiệp, cổ đông (2,5 triệu đồng)…, ông Trung cũng chưa được công ty thanh toán theo quy định.
Cho rằng bị công ty o ép, ông Trung đã làm đơn khiếu nại tranh chấp đòi nợ lương và trợ cấp thôi việc gửi lên UBND quận 10. “Do trong quá trình hòa giải, Công ty VTTH Mai Linh chỉ chấp nhận trả cho tôi 13 triệu đồng, tôi không đồng ý nên làm đơn khởi kiện lên TAND quận 10” - ông Trung trình bày.
Mỏi mòn chờ tòa xử
Ngày 30-7-2014, TAND quận 10 thụ lý vụ án dân sự và giao cho thẩm phán Uông Hoài Nam giải quyết. Ngày 30-9-2014, tòa án này bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì cho rằng “đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà chưa có kết quả trả lời xác minh thông tin về Công ty VTTH Mai Linh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM”.
Quyết định đình chỉ ban hành cuối tháng 9-2014 thì đến ngày 21-10-2014, TAND quận 10 lại gửi đơn triệu tập cho ông Trung lên giải quyết vụ việc.
Sau đó, TAND quận 10 nhiều lần mời ông Trung và đại diện Công ty VTTH Mai Linh lên hòa giải nhưng bất thành vì hai bên không tìm được tiếng nói chung. “Sau lần hòa giải đó, không biết bao nhiêu lần tôi lên tòa theo đơn triệu tập nhưng đều không được giải quyết. Vì quá bức xúc, tôi đến tòa án gây áp lực bằng cách nói sẽ kéo gia đình đến đây căng băng rôn đòi công bằng thì đại diện tòa hứa sẽ đưa vụ việc ra xét xử sớm nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy” - ông Trung khẳng định.
Đỉnh điểm là trong biên bản tiếp xúc giải quyết khiếu nại được TAND quận 10 lập ngày 17-3-2016, ông Trung đã đề nghị TAND quận 10 nhắc nhở thẩm phán thụ lý vụ án phải đưa vụ việc ra xét xử vì vị thẩm phán này chỉ hứa chứ không làm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trung Tính, Phó Chánh án TAND quận 10, xác nhận đang thụ lý vụ kiện tranh chấp đòi nợ lương và trợ cấp thất nghiệp của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Trung khởi kiện Công ty VTTH Mai Linh. Theo ông Tính, lẽ ra vụ việc đã được đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng vì Công ty VTTH Mai Linh không hợp tác, không có giấy ủy quyền hợp lệ khi được tòa mời lên làm việc. Ông Tính cũng khẳng định hiện TAND quận 10 đã hoàn tất hồ sơ và dự kiến trong tháng 6 này sẽ đưa vụ án dân sự ra xét xử sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng không riêng gì vụ án này, hầu hết các vụ án dân sự đều được đưa ra xét xử một cách chậm trễ. Mặc dù Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử với các vụ án dân sự là không quá 4 tháng, nếu có gia hạn vì lý do khách quan thì cũng không quá 2 tháng nữa. “Vụ án đã được hòa giải không thành, không có lý do gì để không đưa vụ án ra xét xử. Việc kéo dài vụ án mà không có lý do chính đáng, vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử, theo tôi là vi phạm tố tụng nghiêm trọng” - luật sư Hưng khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Công đoàn Công ty VTTH Mai Linh, cho hay tại buổi hòa giải ở UBND quận 10, lúc đầu ông Trung đồng ý số tiền công ty bồi thường nhưng sau đó không hiểu sao lại làm đơn khởi kiện lên tòa án.
Bình luận (0)