Ra khỏi phòng xử án, bà P.H.M chưa thôi khóc lóc, thở than. Từng lời nói, cử chỉ của bà thể hiện rõ sự hối hận nhưng tất cả đều muộn màng.
Vài giờ trước, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn giữa ông P.T.V và bà P.H.M (đều 54 tuổi) kéo dài hơn dự kiến với mọi nỗ lực hòa giải đến từ hội đồng xét xử (HĐXX).
Tin bạn, giấu chồng
Đệ đơn ly hôn, ông P.T.V nhất quyết không thay đổi quyết định, dù nhiều người kiên trì khuyên giải. Ông nói với HĐXX rằng ông không tha thứ những việc bà P.H.M gây ra khiến gia đình gánh hậu quả nặng nề.
"Vợ chồng làm lụng vất vả nhiều năm mới mua nổi căn hộ chung cư và một ôtô tải làm phương tiện chở hàng thuê. Đây là nguồn thu nhập chính nuôi sống hai vợ chồng. Vậy mà bà ấy lén lút mang giấy tờ xe tải đến ngân hàng làm tài sản bảo lãnh, giúp người khác vay vốn" - ông P.T.V giận dữ.
Theo ông V., vợ giấu ông đem giấy tờ ôtô tải đến ngân hàng làm tài sản bảo đảm trong một hồ sơ vay vốn cho bạn mà không bàn với ông lời nào. Tận lúc ngân hàng thông tin người vay vỡ nợ, ông mới tường tận vụ việc.
Khi HĐXX đề cập vấn đề này, bà M. giải thích người vay tiền là bạn lâu năm của bà. Vì người bạn khẩn thiết nhờ nên bà mủi lòng giúp. Do biết chồng nóng tính, bà không dám nói thật.
"Hồi mua xe, ông ấy không khỏe nên không thể đi lại ký giấy tờ. Chúng tôi thống nhất tôi đứng tên giấy đăng ký xe. Tôi có kể bạn thân nghe chuyện này. Lúc khó khăn, người này mang tình nghĩa mấy chục năm ra năn nỉ, cam đoan sẽ giải chấp sau thời gian ngắn. Tin bạn nên tôi đồng ý" - bà M. kể.
HĐXX ra sức giảng hòa, nói tài sản thực tế chưa mất vì cơ quan pháp luật có thẩm quyền đã bảo vệ đủ quyền lợi cho ông V., bà M. cũng khẩn khoản xin lỗi, mong muốn được hàn gắn nhưng ông V. nhất quyết không bỏ qua, yêu cầu tòa án chấp nhận nguyện vọng ly hôn. Thấy chồng quá cứng rắn, bị đơn đành chấp nhận.
Đi cùng cha mẹ đến tòa, một trong ba người con của họ lắc đầu, nói: "Chúng tôi chưa bao giờ ngờ tới gia đình lâm tình cảnh như vậy". Anh chia sẻ tuy cha anh thương vợ con nhưng ông rất cố chấp, cứng nhắc. Trái lại, mẹ anh là người thương người đến mức "bao đồng".
Minh họa: KHỀU
Bài học đau xót
Theo lời con trai bà M. thuật lại, bà M. có người bạn thân kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng. Do cần vốn, người này vay ngân hàng hơn 5 tỉ đồng. Ở hợp đồng cũng như phụ lục hợp đồng tín dụng có nhiều tài sản thế chấp nhằm bảo đảm khoản vay. Xe tải (định giá 700 triệu đồng) do bà M. đứng tên trên giấy đăng ký là một trong số những tài sản bảo đảm. Việc thế chấp theo hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa bên thế chấp (bà M.) với bên nhận thế chấp (ngân hàng) và bên vay (bạn thân bà M.).
Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, người bạn vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng khởi kiện, đề nghị tòa án buộc người vay trả toàn bộ nợ gốc, lãi suất tồn đọng. Nếu người vay không trả, đề nghị cơ quan chức năng xử lý tài sản thế chấp. Tất nhiên, xe tải của gia đình bà M. cũng nằm trong danh sách bị kê biên. Hai cấp xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đều đồng tình với quan điểm phía ngân hàng đưa ra. May thay, tòa án cấp cao hơn đã hủy hai bản án. Do đó, gia đình bà M. vẫn có quyền sở hữu, sử dụng xe tải.
Con trai bà M. kể thêm từ khi biết chuyện, gia đình anh nhiều lần đi tìm nhưng người kia bán hết tài sản, bỏ đi đâu không ai rõ. Đó là "giọt nước làm tràn ly", khiến cha anh giận dữ rồi nhất quyết đòi ly hôn.
Nghĩ đến giấy tờ xe "treo" ở ngân hàng, ông V. uất ức: "Đã cả tin còn gặp trúng kẻ lừa đảo, đó là bài học đối với bà ấy. Cứ nghĩ đến bà ấy tin bạn mà lừa dối gia đình, tôi không muốn tha thứ".
Tự ý định đoạt tài sản là phạm luật
Hai bản án tranh chấp hợp đồng tín dụng đều nhận định giấy đăng ký xe do bà M. đứng tên. Do đó, bà P.H.M có toàn quyền thế chấp tài sản.
Tuy nhiên, cơ quan giám đốc thẩm khẳng định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của vợ chồng. Việc người vợ tự ý định đoạt tài sản mà không thông qua ý kiến chồng là vi phạm điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình; điều 19 Bộ Luật Dân sự hiện hành. Vì vậy, hủy cả hai bản án.
Bình luận (0)