Vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vào ngày 21-7 ở huyện Núi Thành - Quảng Nam một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khẩn về thực trạng TNGT ở Việt Nam.
6 tháng và 17.886 vụ tai nạn giao thông
Năm 2012 được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn làm “Năm An toàn giao thông” nhằm thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các TP lớn. Thế nhưng, theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước xảy ra 17.886 vụ TNGT, làm chết 4.953 người và bị thương 19.977 người.
Dẫu so với cùng kỳ năm 2011 giảm 4.931 vụ, giảm 992 người chết, giảm 5.513 người bị thương nhưng dường như mức độ nghiêm trọng của TNGT ngày càng tăng khi không hiếm những vụ TNGT làm hàng chục người chết hoặc những vụ TNGT khiến cả gia đình thiệt mạng. Đó là vụ xe khách rơi xuống sông Sêrêpôk (Đắk Lắk) ngày 17-5 làm hơn 30 người chết; vụ va chạm giữa xe tải và xe khách xảy ra vào khoảng 7 giờ 20 phút sáng 2-6 trên Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An khiến 11 người thương vong, xe Innova phóng với tốc độ cao trên cầu Thăng Long (Hà Nội) lao thẳng vào 2 taxi chạy ngược chiều khiến 8 người bị thương và một bé gái tử vong đêm 24-6...
Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Núi Thành - Quảng Nam ngày 21-7. Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Mới đây nhất là vụ ô tô 7 chỗ lao vào nhóm người ở Núi Thành khiến 7 người trong một gia đình phải ra đi tức tưởi, 2 người bị thương nặng. Những cái chết đột ngột, không hề có dấu hiệu báo trước. Những con người vừa mới trước đó còn nói cười vui vẻ, phút chốc bị TNGT cướp đi mạng sống. Kéo theo đó là nỗi đau, sự bơ vơ vì mất mát không gì có thể bù đắp được của hàng chục người khác.
Số người chết vì TNGT trung bình trong một năm khoảng 10.000 người. Một tổn thất về nhân mạng quá nặng nề, không phải vì chiến tranh, dịch bệnh mà vì TNGT, tai nạn mà trong chừng mực nào đó người ta có thể “chế ngự” được nhưng nó vẫn cứ xảy ra. Vì sao?
Tùy tiện, thiếu tự giác
Nguyên nhân chung về TNGT thì nhiều, như đường sá chật hẹp, hư hỏng, xuống cấp; hành lang bảo vệ công trình giao thông còn nhiều bất cập; lấn chiếm vỉa hè, lấn đường họp chợ; xe quá thời hạn sử dụng; lực lượng CSGT có những nơi, những lúc chưa làm tròn trách nhiệm; mức án cho tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ còn “nhẹ” tay...
Nhưng trên hết là tính tự giác, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của một bộ phận người dân còn yếu kém. Sự yếu kém đó được thể hiện ở người điều khiển phương tiện cơ giới chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt sai quy định, không chấp hành tín hiệu giao thông, ngủ gật vì chạy xe đường dài không nghỉ ngơi, uống rượu, bia quá mức quy định...
Trao đổi với chúng tôi, một vị thẩm phán TAND TPHCM nói: “Đa số vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Chỉ một lần vượt đèn đỏ, uống rượu, bia quá mức, lấn tuyến, chạy ngược chiều... cũng đủ dẫn đến những cái chết oan nghiệt cho người vô tội, gây đau khổ cho bao gia đình, bản thân người vi phạm cũng tổn thất nặng nề về tiền bạc, sức khỏe, chịu tù tội, thậm chí mất mạng.
Các bị cáo ra tòa đều tỏ ra ăn năn, hối hận, thường nói rằng: “Nếu hôm ấy... thì đã không...” nhưng sinh mạng con người không cho phép tồn tại chữ “nếu”, bởi khi đã xảy ra tai nạn, tiền bạc hay sự hối hận đều trở nên vô nghĩa, không thể trả lại mạng sống quý giá của một người.
TNGT có thể phòng và tránh được nếu chúng ta tự giác chấp hành luật giao thông, nếu mỗi khi điều khiển xe, chúng ta nghĩ đến người thân đang đợi chúng ta ở nhà để không vội vã lao trên đường, vượt đèn đỏ, uống bia, rượu quá mức... Nên nhớ rằng chừng nào chúng ta còn tùy tiện, không tự giác, chừng ấy TNGT vẫn cứ tiếp tục xảy ra”.
VỤ TÀI XẾ NGỦ GẬT TÔNG CHẾT 7 NGƯỜI
Đưa các nạn nhân về nơi an nghỉ
Ngày 23-7, hàng ngàn người dân xã Quảng Điền, huyện Krông Ana - Đắk Lắk đã đến chia buồn và đưa tang 7 nạn nhân trong vụ tài xế ngủ gật tông vào quán ăn làm 7 người chết ở huyện Núi Thành - Quảng Nam (Báo Người Lao Động đã thông tin).
Chính quyền, đoàn thể tỉnh Đắk Lắk cũng thăm hỏi, chia buồn gia đình các nạn nhân. UBND tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết, Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/người chết, Ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/người chết và 1 triệu đồng/người bị thương. Người nhà của tài xế gây tai nạn cũng đã đến thăm hỏi và hỗ trợ 20 triệu đồng/người chết._C.Nguyên |
Bình luận (0)