xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghe bị tử hình, người thân Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc bật khóc

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết

(NLĐO)- Trái ngược với vẻ bình thản của Dương Chí Dũng trong suốt hơn 2 giờ khi Hội đồng xét xử đọc bản kết tội, song khi nghe tòa tuyên án tử hình, người thân Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng bật khóc lớn ngay tại tòa chiều nay 16-12.

img
Các bị cáo chuẩn bị nghe tuyên án chiều 16-12 (ảnh chụp qua màn hình)
 
Đúng 14 giờ 40 chiều nay (16-12), Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội bắt đầu tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
 
Lúc 17 giờ 30 phút chiều 16-12, TAND Hà Nội đã phạt: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, tử hình về  tội tham ô tài sản, 18 năm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là Tử hình.
 
Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, tử hình Tội tham ô tài sản,  18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp là Tử hình.
 
Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, 10 năm tù tội tham ô tài sản, 9 năm tù tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 19 năm tù.
 
Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, 14 năm tù tội tham ô tài sản, 8 năm tù tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp là 22 năm tù.
 
Các bị cáo nhóm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
 
Mai Văn Khang, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines, 4 năm tù; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, 7 năm tù; Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, 8 năm tù; Lê Ngọc Triện, nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, 8 năm tù; Lê Văn Lừng, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, 8 năm tù.
 
Ngoài ra, Tòa tuyên các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Trong đó, bị cáo Dũng bồi thường 10 tỉ đồng tiền tham ô tài sản và 100 tỉ đồng gây thiệt hại, tổng cộng 110 tỉ; Phúc 10 tỉ đồng tham ô và 100 tỉ đồng gây thiệt hại, tổng cộng 110 tỉ đồng; Chiều 340 triệu đồng và 39 tỉ đồng gây thiệt hai; Sơn 7,8 tỉ đồng tham ô và 39 tỉ đồng gây thiệt hại; Khang 12 tỉ đồng; Loan 6 tỉ đồng; Dương 15,7 tỉ; Đức 9 tỉ đồng; Triện 9 tỉ đồng; Lừng 9 tỉ đồng.
 
Tòa tuyên muộn so với dự kiến gần 1 giờ đồng hồ. Trong thời gian ấy, Dương Chí Dũng có trò chuyện với những người hỗ trợ tư pháp và quan sát xung quanh với thái độ bình thản. Các bị cáo khác, đặc biệt là Mai Văn Phúc thể hiện thái độ mệt mỏi, đau đớn trông thấy.
 
Trong suốt hơn 2 giờ HĐXX đọc bản kết tội và đến khi tuyên án, gương mặt của Dương Chí Dũng vẫn giữ vẻ bình thản như vậy. Các bị cáo khác nghe tuyên án xong, hầu hết đều sầm mắt, đau khổ, nhiều bị cáo bật khóc trước tòa.
 
Trái ngược lại, khi vừa nghe tuyên án xong Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, vợ và người thân của cả 10 bị cáo bật khóc lớn giữa tòa khiến HĐXX phải ngừng lại, yêu cầu giữ trật để tiếp tục tuyên các bị cáo còn lại. 
 
Trước đó, phiên tòa đã diễn ra trong 3 ngày (từ 12 đến 14-12) với nhiều tranh luận nảy lửa giữa luật sư với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội để làm rõ các vấn đề liên quan. Ba bị cáo trong nhóm tội tham ô đều phủ nhận hành vi phạm tội của mình, cho rằng chưa đủ bằng chứng chứng minh và cơ sở kết tội chưa khách quan.
 
img
Bị cáo Dương Chí Dũng lúc ngồi chờ tuyên án (ảnh chụp qua màn hình)
 
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi No. 83M với Công ty AP-Singapore, Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại…

Kết quả là ụ nổi No. 83M cũ nát, hư hỏng nặng đưa về Việt Nam phải mất thời gian dài sửa chữa song vẫn không thể dùng được vào việc gì. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 367 tỉ đồng.

Trong vụ mua bán này, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô hơn 28 tỉ đồng là số tiền thanh toán mua ụ nổi 83M được Công ty AP chuyển lại Việt Nam. Cụ thể, Sơn đã nhận tiền “lại quả” 28 tỉ đồng rồi chuyển Dũng 10 tỉ, Phúc 10 tỉ, Chiều 340 triệu đồng và bản thân chiếm hưởng 7,8 tỉ đồng.

img
Hội đồng xét xử tuyên án (ảnh chụp qua màn hình)

img
Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án (ảnh chụp qua màn hình)

Chiều 13-12, VKSND TP Hà Nội đã công bố bản luận tội với các bị cáo. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và phiên tòa, xét hành vi của các bị cáo, VKSND TP Hà Nội đề nghị: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines: Tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tội Cố ý làm trái, tổng hợp Tử hình. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines: Tử hình Tội tham ô; 20 năm tù tội cố ý làm trái, tổng hợp Tử hình. Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines: 19- 20 năm tù tội tham ô, 9- 10 năm tù tội cố ý làm trái, tổng hợp là 28-30 năm tù. Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines: 13- 14 năm tù tội tham ô, 9-10 năm tù cố ý làm trái, tổng hợp 22-24 năm tù.
 
Các bị cáo nhóm Cố ý làm trái: Mai Văn Khang, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin thuộc Vinalines: 8-10 năm tù. Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines: Đề nghị mức 6-8 năm tù. Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6: 6-8 năm tù. Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 6-8 năm tù. Lê Văn Lừng, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong: 6-8 năm tù. Lê Ngọc Triện, nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong: 6-8 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, cơ quan công tố đề nghị căn cứ mức độ vi phạm của từng bị cáo tuyên buộc Dũng, Phúc, Sơn, Chiều liên đới bồi thường số tiền 28 tỉ đồng đã tham ô, trong đó Dương Chí Dũng phải bồi hoàn 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. Số tiền còn lại Trần Hải Sơn có trách nhiệm bồi hoàn. Cả 10 bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền thiệt hại 367 tỉ đồng gây ra cho nhà nước.

Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều liên tục kêu oan, không thừa nhận việc tham ô. Dũng, Phúc cho rằng, không chỉ đạo Trần Hải Sơn trong việc ăn chia, không nhận bất kỳ đồng nào mà do Sơn sợ nặng tội nên “gắp lửa bỏ tay người”.

Luật sư bào chữa cho 2 bị cáo này cũng cho rằng chỉ dựa vào lời khai của Trần Hải Sơn và toàn bộ người làm chứng là người nhà của Sơn không đảm bảo tính khách quan. Nhóm bị cáo tội danh Cố ý làm trái thì cho rằng mình chỉ thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, mức án mà VKSND đề nghị là quá nặng.

Trong lời nói cuối cùng, Dương Chí Dũng đã xin lỗi Đảng, nhân dân và ngành Hải quan, vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Các bị cáo khác cũng mong được HĐXX xem xét đúng người, đúng tội, giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm được trở về với gia đình, xã hội.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo