Nhận được tin báo, công an xã đến hiện trường đưa nghi phạm về UBND xã lập biên bản, xử lý hành chính rồi cho về.
Việc đối tượng trộm chó chủ bị xử lý hành chính khiến nhiều bạn đọc bức xúc, cho rằng hình thức này không đủ sức răn đe, khiến người dân bywsc cúc tự xử, dẫn đến nhiều hệ luỵ khác.
Về vấn đề này, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích: Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi trộm cắp tài sản, trong đó có hành vi trộm chó sẽ bị xử phạt từ 1– 2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người trộm chó có thể chịu mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm trong nhiều trường hợp. Cụ thể, tang vật có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
Đối tượng trộm chó bị người dân vây bắt ở Thanh hoá hôm 4-8 (Ảnh: T.Minh)
Hoặc giá trị tang vật dưới 2 triệu đồng nhưng hành động trộm chó gây ra hậu quả nghiêm trọng (tai nạn giao thông, thương tích…).
Ngoài ra, nếu người trộm chó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và chưa được xóa án tích. Trong thời gian chưa xóa án tích vẫn vi phạm thì đối tượng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người trộm chó bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức án có thể lên đến 3 năm tù giam.
Theo luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM): Trước tiên phải xem xét hành vi trộm chó là hành vi như thế nào. Chó là một vật nuôi trong nhà, cũng có giá trị về tài sản, tùy loại chó mà có giá trị khác nhau từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Hành vi trộm chó là hành vi lợi dụng sơ hở của chủ vật nuôi để bắt trộm và chiếm đoạt, đây là hành vi trộm cắp tài sản được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế, các đối tượng trộm chó bị bắt rất ít trường hợp bị khởi tố về hình sự bởi yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản liên quan đến giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Theo Điều 138 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (tương ứng Điều 173 BLHS 2015 hiệu lực từ 1/1/2018) thì giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Do vậy, đa phần các đối tượng bắt trộm chó khi bị bắt thì giá trị tài sản chiếm đoạt chưa đến mức cấu thành tội phạm, mà chưa có tiền án tiền sự về tội chiếm đoạt tài sản thì cơ quan công an cũng chỉ xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, phương tiện.
Do chó là loại động vật nuôi trong nhà, có tính chất là thú cưng, được chủ nuôi yêu quý mà hành vi trộm chó diễn ra quá thường xuyên, liên tục, kẻ trộm chỉ nhằm mục đích vụ lợi mà bất chấp thủ đoạn để bắt trộm, như trang bị súng điện, bỏ thuốc gây mê, dùng xe phân khối lớn …và sẵn sàng chống trả khi bị truy đuổi. Thực tế, có những trường hợp kẻ trộm chó dùng súng bắn chết người truy đuổi, có những trường hợp dân làng vây bắt đánh chết kẻ trộm chó…
Hành trộm chó là hành vi trái pháp luật nhưng hành vi dùng vũ lực đánh đập kẻ trộm chó không phải là hành vi đúng, cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tính mạng, sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi dùng vũ lực xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác không thuộc trường hợp được cho phép đều có thể bị xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Giết người", tùy theo mức độ hậu quả hành vi đánh người trái pháp luật gây ra.
Khi bắt được kẻ trộm chó, người dân có nghĩa vụ trình báo và giao người bị bắt cùng tang vật, phương tiện cho cơ quan công an để xử lý đúng quy định pháp luật. Về việc xử lý nặng kẻ trộm chó: thiết nghĩ vẫn phải theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, cần xem xét khi định giá tài sản chiếm đoạt thì xem xét đến giá trị tinh thần bị xâm hại, nếu chỉ xác định giá trị như thực phẩm thì khi đó giá trị chiếm đoạt thường chưa đến mức xử lý hình sự.
Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Bình luận (0)