Sáng nay 29-12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng 6 bị cáo đã kết thúc phần xét hỏi. Trước khi vào phần tranh tụng, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã nêu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Các bị cáo tại phiên toà - Ảnh: Nam Anh
Theo đó, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử tuyên ông Nguyễn Đức Chung 3-4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Nguyễn Văn Tứ nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) bị đề nghị 36 tháng đến 42 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh với ông Tứ, bị cáo Nguyễn Tiến Học nguyên phó giám đốc sở KH-ĐT bị đề nghị 36 tháng đến 42 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến nguyên trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT bị đề nghị 5-6 năm tù; Phạm Thị Thu Hường nguyên chánh văn phòng Sở KH-ĐT bị đề nghị 4-5 năm tù. Hai bị cáo còn lại là Võ Việt Hùng nguyên giám đốc Công ty Đông Kinh bị đề nghị 5-6 năm tù; Lê Duy Tuấn nguyên giám đốc kinh doanh công ty Đông Kinh bị đề nghị mức 4-5 năm tù.
Về dân sự, VKS đề nghị buộc Công ty Đông Kinh nộp lại hơn 6 tỉ đồng thu lợi bất chính. Còn các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Võ Việt Hùng và Lê Duy Tuấn bị đề nghị liên đới bồi thường hơn 20 tỉ đồng.
Theo VKS, giai đoạn 2016-2018, Sở KH-ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư của 2 gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký với liên doanh Nhật Cường - Đông Kinh.
Tại gói thầu năm 2016, VKS cho rằng sau khi được Bùi Quang Huy (nguyên tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) nhờ, ông Chung đã chỉ đạo Nguyễn Văn Tứ cho tạm dừng mở thầu để tạo điều kiện cho liên doanh trên dự và trúng thầu. Điều này trái với quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014 của Chính phủ.
Trong quá trình thẩm vấn, ông Tứ khai thực hiện chỉ đạo của ông Chung, can thiệp trái pháp luật để cho Nhật Cường thực hiện gói số hóa dữ liệu. Các bị cáo thuộc nhóm cựu lãnh đạo Sở KH-ĐT cũng cho rằng họ làm theo yêu cầu của cấp trên. Còn Võ Việt Hùng và Lê Duy Tuấn đã có hành vi gian lận, thông thầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chung khai đối với các gói thầu trên, UBND Hà Nội mới là chủ đầu tư. Người có thẩm quyền quyết định các nội dung liên quan là chủ tịch TP. Về lời khai của ông Tứ, nguyên chủ tịch Hà Nội phản bác và cho rằng ông Tứ đã bịa đặt việc cho Nhật Cường trúng thầu là làm theo chỉ đạo của ông Chung.
VKS đánh giá sai phạm của ông Chung và các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng. Ngoài ra, việc đấu thầu trái quy định khiến chỉ có 45% hồ sơ được số hóa dữ liệu.
Trong vụ án, Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chỉ đạo các bị cáo Hùng và Tuấn thiết lập "quân xanh, quân đỏ" khi dự thầu để trúng thầu. Các bị cáo còn ký hợp đồng khống với Công ty Minh Hoa để hợp thức hóa hồ sơ năng lực dự thầu, ký hợp đồng chuyển nhượng thầu trái phép. Hiện, Bùi Quang Huy đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Đối với ông Nguyễn Đức Chung, VKS cho rằng nguyên chủ tịch Hà Nội có mối quan hệ thân quen với Bùi Quang Huy. Sau khi Huy gửi email cho ông Chung đề xuất lùi ngày mở thầu, bị cáo đã chỉ đạo ông Tứ đình chỉ mở thầu trái quy định. Sau đó, ông Chung yêu cầu Sở KH-ĐT lựa chọn công nghệ số hóa dữ liệu, chỉ đạo sở trao đổi, làm việc với Nhật Cường trước khi thực hiện gói thầu.
"Bị cáo Chung với chức vụ, quyền hạn chủ tịch thành phố đã tạo điều kiện cho liên doanh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu. Từ đó, Công ty Nhật Cường thu lợi bất chính hơn 26 tỉ đồng"- đại diện VKS lập luận.
Dịp Tết năm 2017, Bùi Quang Huy đến phòng làm việc rồi chúc Tết ông Tứ một chai rượu và 300 triệu đồng. Tại phiên toà, bị cáo Tứ thừa nhận đã nhận tiền song bị cáo cho rằng việc Huy biếu quà Tết chỉ mang tính truyền thống, không liên quan đến gói thầu số hóa. Hiện, ông Tứ đã tác động gia đình nộp lại số tiền này. Ngoài ra, bị cáo Lê Duy Tuấn cũng đến chúc Tết ông Nguyễn Tiến Học 100 triệu đồng và bà Tuyến 30 triệu đồng.
Bình luận (0)