Sau hai ngày làm việc, chiều 29-3, TAND TP HCM kết thúc phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trương Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP HCM, trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) 6 năm tù, Phạm Văn Sửu (nguyên trưởng phòng tài chính kế toán tổng hợp) 4 năm tù, Trương Bích Nguyệt (nguyên trưởng phòng tài chính kế hoạch tổng hợp) 3 năm tù; cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm buộc Bệnh viện Bưu điện TP nộp lại số tiền thiệt hại còn lại (hơn 450 triệu đồng). Ba bị cáo hoàn trả toàn bộ tiền lương đã hưởng lợi.
HĐXX nhận định căn cứ lời khai tại tòa cũng như bằng chứng thu thập trước đó, bản luận tội của VKS là đúng người, đúng tội. Tuy vậy, Trương Anh Kiệt thực hiện việc làm trên vì lợi ích của bệnh viện (trả lương nhân viên…). Hơn nữa, hậu quả vụ án đã được khắc phục hầu như hoàn toàn (bệnh viện nộp lại hơn 27,3 tỉ đồng cho Tập đoàn VNPT). Ngoài ra, bị cáo Kiệt có nhân thân tốt, nhiều thành tích trong công tác.
Trước đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo còn lại, cấp sơ thẩm cho rằng hai bị cáo biết rõ đây là việc làm phạm pháp nhưng vẫn nhiều lần thực hiện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, hai bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, Sửu và Nguyệt là cán bộ dưới quyền, mức độ phạm tội hạn chế, chỉ hưởng lợi từ tiền lương nhận hàng tháng.
Tập đoàn VNPT và nhiều bệnh nhân tha thiết xin tòa cho 3 bị cáo hưởng lượng khoan hồng.
Đây là căn cứ để HĐXX xem xét mức án phù hợp đối với ba bị cáo.
Trước đó, người giữ quyền công tố tại tòa đề nghị tuyên phạt Trương Anh Kiệt từ 9 - 10 năm tù, Phạm Văn Sửu từ 7 - 8 năm tù, Trương Bích Nguyệt từ 5 - 6 năm tù; cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP HCM có chức năng khám, chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng cho cán bộ, nhân viên VNPT ở 32 tỉnh, thành phía Nam; được VNPT hỗ trợ kinh phí.
Từ năm 2009 - 2011, giám đốc bệnh viện Trương Anh Kiệt chỉ đạo Trương Bích Nguyệt và Phạm Văn Sửu, lập ra 13.077 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú “ma” nhằm quyết toán khống hơn 22 tỉ đồng; đồng thời kê thêm hơn 5,7 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động điều dưỡng, điều trị nội trú. Việc làm trên gây thiệt hại hơn 27,8 tỉ đồng.
Sồ tiền này bệnh viện dùng để trả lương, chi phí hoạt động.
Bình luận (0)