Bảy người gồm các ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”), ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất), bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Lan. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đã nhận quyết định đình chỉ điều tra năm 1983.
Đáng nói, những người bị giam oan được trao bản sao y bản chính quyết định đình chỉ điều tra do ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, ký cách đây hơn... 36 năm (ngày 11-5-1983).
Theo ông Thân Văn Danh, sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc, VKSND tỉnh Tây Ninh đã tìm và trao quyết định cho 7 nạn nhân.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") cho biết cả gia đình rất vui mừng khi đã được minh oan. "Từ nay gia đình tôi không phải là người phạm tội. Sắp tới gia đình sẽ nhờ luật sư làm đơn yêu cầu bồi thường theo quy định" - ông Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) vui mừng khi nhận quyết định đình chỉ điều tra
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP HCM), một trong những người bảo vệ quyền lợi cho người bị oan nói ông rất vui khi những người bị oan nhận được quyết định đình chỉ điều tra.
Luật sư Phúc nhận định vụ án oan sai gây hậu quả hết sức nặng nề và bi thảm; các nạn nhân bị bắt tạm giam, bị tra tấn, dùng nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng. Không chỉ 8 người lương thiện bị oan sai, gánh chịu hậu quả đau đớn mà gia đình, người thân họ bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt gần 4 thập kỷ qua chưa được khắc phục.
Sắp tới đây, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, bà Nguyễn Thị Thương, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, bà Nguyễn Thị Lan, ông Hồ Long Chánh, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng và các con ông Nguyễn Thành Nghị sẽ được các luật sư thiện nguyện giúp đỡ làm các thủ tục yêu cầu khôi phục danh dự (xin lỗi và cải chính) và yêu cầu bồi thường thiệt hại, kể cả giúp đỡ họ trong quá trình thương lượng hoặc phải tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ tại tòa án các cấp để đòi bồi thường theo đúng luật.
"Tôi nghĩ VKSND tỉnh Tây Ninh cần nhanh chóng thụ lý và xem xét giải quyết các yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại cho 7 nạn nhân vừa nhận quyết định đình chỉ điều tra vụ án, sớm khắc phục hậu quả oan sai, thông qua thương lượng bồi thường với người bị oan" – luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.
Liên quan đến vụ án này, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") đã kiện, yêu cầu bồi thường hơn 10,4 tỉ đồng. Qua 2 cấp xét xử là TAND huyện Gò Dầu, TAND tỉnh Tây Ninh chỉ chấp nhận bồi thường 615 triệu đồng. Ông Dũng đang khiếu nại bản án trên.
Trước đó, ngày 29-1-2018, Báo Người Lao Động có bài "Một gia đình có 8 người bị giam oan" phản ánh ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng "lớn") bị bắt giam oan 3 năm 9 tháng 14 ngày nhưng không được bồi thường. Ngoài ông Dũng còn 7 người khác là thành viên trong gia đình cũng bị bắt giam oan trong vụ án ông Dũng nhưng không được bồi thường.
Bình luận (0)