VKSND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk ngày 13-10 cho biết vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phan Xuân Hạnh (SN 1958 - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Êa Phê, huyện Krông Pắk) để tiếp tục điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trường THCS Êa Phê, nơi ông Hạnh từng làm hiệu trưởng
Theo điều tra ban đầu, năm 2015, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Bùi Thị Thùy L. (SN 1993; ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) nhờ bà Nguyễn Thị Lệ H. (SN 1956; ngụ huyện Krông Pắk) xin làm giáo viên. Bà H. đến gặp ông Phan Xuân Hạnh (lúc đó là Hiệu trưởng Trường THCS Êa Phê) để xin việc cho L.
Ngày 16-9-2015, ông Hạnh xác nhận vào đơn xin việc rồi cô L. nộp hồ sơ lên Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk. Đến ngày 25-9-2015, bà H. chuyển 140 triệu đồng vào tài khoản của ông Hạnh. Ngày 28-9-2015, cô L. có quyết định nhận vào làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Êa Phê do Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký.
Sau đó, bà H. tiếp tục đưa trực tiếp cho ông Hạnh 70 triệu đồng . Ông này cam kết cho L. dạy hợp đồng tại Trường THCS Êa Phê, đến khi có hội đồng xét tuyển thì cho cô vào dạy biên chế chính thức.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào tháng 3-2018, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy nhận được đơn của cô Bùi Thị Thùy L. tố cáo ông Hạnh có hành vi nhận 210 triệu đồng để lo cho cô vào làm giáo viên hợp đồng và "chạy" vào biên chế của trường.
Sau khi xác minh, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Krông Pắk kết luận với cương vị của mình, ông Hạnh đã nhận 210 triệu đồng tiền "chạy" việc. Khi không lo được biên chế cho cô L, ông Hạnh dây dưa không trả hết số tiền đã nhận. Sau khi biết có đơn tố cáo, ông Hạnh mới khắc phục, trả hết tiền. UBND huyện đã thành lập hội đồng kỷ luật và quyết định cách chức đối với ông Phan Xuân Hạnh - Phó Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê.
Trước đó, Công an huyện Krông Pắk cũng đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Huỳnh Bê, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2013 đến năm 2017, ông Bê đã nhận tổng cộng gần 1,2 tỉ đồng để "chạy" việc cho 12 người vào làm giáo viên, vào biên chế giáo viên. Ngoài ra, 6 trường hợp khác tố cáo ông Bê nhận hơn 1 tỉ đồng "chạy" việc nhưng ông này cho rằng chỉ vay mượn bình thường.
Bình luận (0)