Tại phiên xét xử phúc thẩm có anh, chị và cô con gái út hơn 18 tuổi ngồi ở hàng ghế dự khán. Vợ chồng chị ngồi gần nhau, cách chỉ 1 hàng ghế nhưng không nói với nhau nửa lời. Những hẹn thề, yêu thương, tình nghĩa vợ chồng bỗng trở nên quá đỗi xa xôi.
"Anh là kẻ phản bội"
Họ từng là một gia đình kiểu mẫu nhưng không hạnh phúc như những gì người ngoài vẫn tưởng tượng.
Vượt qua những định kiến về "môn đăng hộ đối" chị đồng ý lấy anh. Đám cưới diễn ra vào năm 1993, trong sự chúc phúc của bạn bè. Anh chị đều có việc làm ổn định, có được 2 người con (một trai, một gái). Rồi một ngày, anh đề nghị ly hôn.
Ở phiên xử sơ thẩm vào tháng 8-2018, TAND quận 3, TP HCM chấp thuận cho anh ly hôn. Hai người con chung đã trưởng thành, tài sản chung không yêu cầu giải quyết. Án tuyên xong, con gái chị khóc hết nước mắt, bỏ nhà đi.
Ngày tìm được con về, chị gạt nước mắt làm đơn kháng cáo, mong anh quay trở về, cùng chị nuôi dạy con trong giai đoạn mới trưởng thành này.
Anh vẫn kiên quyết xin được ly hôn, dù rất thương con. Anh nói sau nhiều năm chung sống, chị ngày càng thay đổi tính nết, cả 2 thường xuyên cãi vã, bất đồng quan điểm. Những ức chế cứ dồn nén cho đến khi con gái út tròn 18 tuổi, anh mới quyết định ly hôn. Theo anh, đó là cách giải thoát tốt nhất cho cả hai.
Phiên xử dừng ngang khi HĐXX phát hiện người ngồi bên dưới là con gái của vợ chồng chị. Chủ tọa phiên tòa đề nghị vợ chồng chị đưa con ra ngoài, bởi: "Dù là phiên tòa xét xử công khai, cháu gái cũng đã 18 tuổi nhưng vấn đề này còn liên quan đến phát triển tâm sinh lý của một người đang ở độ tuổi trưởng thành. Để tránh tối đa những tổn thương về tinh thần cho cháu, hãy đưa cháu ra khỏi phòng xét xử" - vị chủ tọa tha thiết đề nghị.
Nghe xong, cô con gái ngoan ngoãn bước ra ngoài. Đó cũng là lúc bao nhiêu uất nghẹn trong chị vỡ òa. Chị bật khóc.
Chị nói từ sau khi lấy nhau, cuộc sống gia đình êm ấm, thuận hòa. Chị hạnh phúc khi được làm vợ anh, được sinh cho anh những đứa con thông minh, hiếu thảo. "Không ngờ, anh là kẻ phản bội" - chị nghẹn ngào.
Quyết không quay về
Chị đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh anh có người mới. Chị kể cuối năm 2017, chị bị tai nạn ngã gãy chân. Nhà neo người, con trai không ở cạnh bên, chị ở bệnh viện một mình để anh chăm lo cho con gái đang học năm cuối cấp 3. Một đêm mưa, con gái út khóc thét trong điện thoại đòi mẹ vì hôm đó ba đi đâu không thấy về.
Ngày chị xuất viện, không thể đi lại bình thường, mọi công việc trong nhà đều nhờ đến tay anh. Anh không than vãn nhưng rồi không lâu sau đó, anh dọn ra ở riêng. Chị nói anh quen một người phụ nữ khác, nhỏ hơn 10 tuổi. Người này hứa sẽ sinh cho anh một cậu con trai, nếu anh bỏ vợ.
Chị quay sang, nói với anh như van nài: "Mặc dù tôi chưa biết làm sao để hàn gắn nhưng làm ơn rút đơn về cho con được sống có cha, có mẹ".
Anh vẫn kiên quyết ly hôn. Anh nói tình cảm giữa anh và chị không còn, không thể hàn gắn. Anh trách nhiều lần chị ép anh phải làm theo ý chị. Rồi dẫn chứng "giọt nước tràn ly" là khi chị buộc anh phải ký vào đơn đồng ý chia hết tài sản cho 2 con đứng tên. "Tôi luôn yếu thế trong mọi tình huống. Tôi không muốn tiếp tục sống trong cam chịu, trong cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Vì thế, tôi giữ nguyên yêu cầu ly hôn" - anh dứt khoát.
Đại diện VKSND TP HCM hỏi: "Vậy theo anh, chia tài sản cho con là không đúng hay sao?". Anh im lặng. Dường như một người đã muốn ra đi thì tình nghĩa vợ chồng cũng hóa vô nghĩa; một việc bình thường cũng thành cái cớ để chia xa.
Ra khỏi phòng, anh lướt thật nhanh qua mặt cô con gái vẫn luôn dõi mắt vào phòng xét xử. Trước tòa anh cho biết đã rất lâu rồi anh không nói chuyện với con, để con thôi nuôi hy vọng anh sẽ quay về. Còn chị vội vã đến bên con, vỗ về. Cứ thế, hai mẹ con đứng ôm nhau, lặng người.
Bình luận (0)