VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 71/2016/HSST của TAND huyện Lâm Hà và bản án phúc thẩm số 03/2017/HSPT của TAND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án này để điều tra lại.
Xem cướp cũng bị tù
Trước đó, TAND huyện Lâm Hà đã đưa vụ án "Cướp tài sản" ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đỗ Văn Sơn (SN 1997, ngụ tỉnh Lâm Đồng) cùng 6 đồng phạm. Sơn bị tuyên 30 tháng tù, 6 bị cáo còn lại lãnh từ 15 đến 30 tháng tù. Sau đó, 3 bị cáo vị thành niên và người đại diện của họ đã làm đơn kháng cáo nhưng TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên y án sơ thẩm.
Theo bản án phúc thẩm, chiều 20-8-2015, trong lúc chơi game ở huyện Lâm Hà, Doãn Đức Mạnh (SN 1998), Trần Văn Năm (SN 2000) và Trần Quang Hiệp (SN 1998) thấy anh Hoàng Văn Lai có chiếc điện thoại di động (trị giá 3 triệu đồng) nên nảy sinh ý định chiếm đoạt để bán lấy tiền mua vé xe đi TP Đà Lạt xin việc làm.
Quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM
Vừa lúc này, Đỗ Văn Sơn (SN 1997), Nguyễn Hữu Nam (SN 1999), Trịnh Tấn Vĩnh (SN 1999) và Nguyễn Tiến Nguyên (SN 1999), là bạn của nhóm Năm, cũng đến quán internet. Năm và Hiệp rủ nhóm Sơn cùng tham gia lấy chiếc điện thoại của anh Lai.
Tối cùng ngày, thấy anh Lai và anh Nguyễn Ngọc Tài lấy xe ra về, nhóm của Năm điều khiển 3 xe máy đuổi theo. Khi đến đoạn đường vắng, cả nhóm đuổi kịp xe anh Lai, Hiệp và Năm yêu cầu anh dừng lại. Nam và Nguyên chặn đầu xe, Sơn nhảy xuống đánh vào mặt anh Lai. Lúc này, Hiệp và Năm gọi anh Lai ra chỗ khác cách đó khoảng 2 m hỏi mượn điện thoại gọi cho bạn. Anh Lai sợ bị đánh nên đưa điện thoại cho Năm. Năm giả vờ gọi rồi đưa cho Hiệp. Anh Lai đòi điện thoại nhưng Hiệp không trả mà lên xe bỏ đi.
Sáng hôm sau, Mạnh chở Hiệp và Nam đến tiệm cầm đồ ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cầm chiếc điện thoại được 700.000 đồng. Hiệp đưa cho Mạnh 35.000 đồng đổ xăng, Sơn 200.000 đồng; số tiền còn lại, Hiệp cùng Năm đón xe buýt đi Đà Lạt tiêu xài hết. Sau khi anh Lai trình báo công an, Mạnh nói gia đình ra tiệm cầm đồ chuộc điện thoại trả lại.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Lâm Hà tuyên phạt Trịnh Tấn Vĩnh và Nguyễn Tiến Nguyên 15 tháng tù, Trần Văn Năm 18 tháng tù, Đỗ Doãn Mạnh và Nguyễn Hữu Nam 24 tháng tù, Đỗ Văn Sơn và Trần Quang Hiệp 30 tháng tù về tội "Cướp tài sản". Các bị cáo vị thành niên là Vĩnh, Nam, Nguyên và đại diện của họ kháng cáo xin giảm án nhưng TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên y án sơ thẩm.
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng
VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội "Cướp tài sản". Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố và xét xử có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự và sai lầm trong việc áp dụng luật khi giải quyết vụ án.
Trong vụ án này, nhiều tài liệu được cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm sử dụng làm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo nhưng khi thu thập không bảo đảm đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể, quyết định phân công điều tra viên (ĐTV) được giao cho ĐTV Lê Thanh Tùng nhưng tài liệu hỏi cung bị can, biên bản lấy lời khai bị hại lại do các ĐTV Bùi Văn Hưng, Bùi Văn Bình ghi; người tham gia giám hộ, bào chữa cho bị cáo chưa thành niên phạm tội trong vụ án không được cấp giấy chứng nhận bào chữa hoặc cấp giấy chứng nhận nhưng không đúng người mà bị cáo yêu cầu và không nêu rõ nguyên nhân tại sao; khi lập biên bản giao nhận quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn khởi tố bị can và kết luận điều tra, ĐTV không gửi cho người bào chữa, thậm chí còn tự ý ghi và đánh máy vào phần "Ý kiến bị can" là "Đồng ý" mà không cho người bào chữa hoặc bị can nêu ý kiến của mình.
Điểm mấu chốt trong vụ án, theo VKSND Cấp cao tại TP HCM, các bị cáo đều chưa thành niên nhưng quá trình điều tra, CQĐT đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, không thông báo cho bị can và người đại diện hợp pháp về quyền có người bào chữa, không giải thích quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, không tạo điều kiện để họ lựa chọn người bào chữa hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cử người bào chữa.
Bên cạnh đó, khi các bị cáo hoặc đại diện hợp pháp từ chối người bào chữa để tự bào chữa thì không lập biên bản lưu trong hồ sơ vụ án. Điều này dẫn đến việc các bị cáo phải làm đơn nhờ cha mẹ mình làm người bào chữa, trong khi cha mẹ các bị cáo đều làm nghề nông, trình độ chuyên môn thấp… Ở giai đoạn xét xử, tòa không giải thích về quyền có người bào chữa, vi phạm nguyên tắc tranh tụng tại tòa dẫn đến việc gia đình các bị cáo đồng loạt có đơn yêu cầu xem xét lại vụ án.
Trong vụ án này, các bị cáo Nguyễn Hữu Nam, Trịnh Tấn Vĩnh và Nguyễn Tiến Nguyên là người chưa thành niên bị rủ rê, lôi kéo, chỉ hưởng ứng đi theo bạn bè, không trực tiếp tấn công, uy hiếp cướp tài sản của bị hại; giá trị tài sản không lớn, đã thu hồi và trả cho bị hại; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chưa có tiền án tiền sự, nhân thân tốt… Tuy nhiên, bản án sơ thẩm, phúc thẩm không đánh giá toàn diện các tình tiết trên để phân hóa vai trò từng bị cáo, trên cơ sở đó quyết định hình phạt cho phù hợp.
Có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
VKSND Cấp cao tại TP HCM dẫn chứng điều 69 Bộ Luật Hình sự 1999 và đặc biệt tại điểm c khoản 2 điều 91 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội quy định: "Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 29 của bộ luật này thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp ở mục 2 chương này: c/Người dưới 18 tuổi là đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án".
Bình luận (0)