TT đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm quy định pháp luật trong công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kế toán.
Cụ thể, phương án chào bán cổ phiếu đã được hội đồng quản trị, đại hội cổ đông bất thường của Yteco thông qua (ngày 8-11-2020) có nhiều nội dung không đúng quy định pháp luật.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019, Yteco đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, xử lý nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho không đúng quy định pháp luật.
Yteco đã xuất hóa đơn cho toàn bộ số lượng hàng của 2 hợp đồng cho Công ty CP Dược phẩm quận 3 nhưng thực tế, hàng vẫn được lưu kho của Yteco là phản ánh không đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, chưa phù hợp chuẩn mực kế toán.
Đối với khoản công nợ phải thu của tổ chức, cá nhân đã trích lập dự phòng tại thời điểm 30-6-2020 (11 khoản nợ, sổ tiền 54,398 tỉ đồng): Yteco đã ghi nhận doanh thu, chi phí tương ứng đối với toàn bộ các đơn hàng này (tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế). Tuy nhiên, Yteco không xác định tuổi nợ và đánh giá mức độ tổn thất từng khoản nợ để thực hiện trích lập dự phòng theo quy định.
Việc Yteco thực hiện trích lập dự phòng toàn bộ số nợ phải thu nêu trên cùng một thời điểm (30-6-2020) dẫn đến tăng chi phí, giảm doanh thu trong kỳ là không phù hợp chuẩn mực kế toán.
Về việc hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Mắt kính Việt Quang: Công ty TNHH Mắt kính Việt Quang hiện đang trực tiếp kinh doanh mắt kính tại 3 cửa hàng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán mắt kính được thực hiện trên pháp lý của Cửa hàng mắt kính Việt Quang, trực thuộc pháp nhân Yteco, hạch toán phụ thuộc và sử dụng hóa đơn của Yteco là chưa phù hợp pháp luật về doanh nghiệp, cần phải được cơ quan thuế kiểm tra làm rõ.
Kết luận thanh tra
Liên quan việc trích lập dự phòng, xử lý nợ tại thời điểm 30-6-2020: Yteco chưa xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ theo quy định.
Việc trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi: Tại thời điểm ngày 30-6-2020, Yteco đã trích lập dự phòng toàn bộ số nợ phải thu khó đòi phát sinh từ năm 2019 trở về trước (11 khoản nợ, sổ tiền 54,398 tỉ đồng) là chưa đúng quy định.
Các khách hàng (bao gồm tổ chức và cá nhân) nợ của Yteco tại thời điểm ngày 30-6-2020 vẫn tiếp tục đối chiếu công nợ, trả nợ theo cam kết. Do đó việc xác định số công nợ phải thu trên là nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng toàn bộ là chưa phù hợp với quy định.
Đối với khoản nợ phải thu của Công ty CP Duy Tân: Việc Công ty CP Duy Tân không thanh toán nợ cho Yteco và không tiếp tục giao dịch mua bán với Yteco cho thấy Công ty CP Duy Tân có hành vi chiếm dụng vốn của Yteco trong thời gian dài.
Mặc dù Yteco đã tính lãi suất nợ quá hạn đối với Công ty CP Duy Tân, tuy nhiên về cách tính lãi quá hạn không phù hợp với cách tính lãi mà các ngân hàng cho Yteco vay, từ đó không đảm bảo quyền lợi của Yteco. Theo đó, số chênh lệch tạm tính giữa cách tính Yteco với cách tính của ngân hàng (theo lãi suất ấn định của Yteco) là 13,3 tỉ đồng và chênh lệch giữa cách tính Yteco với cách tính của ngân hàng (theo lãi suất của ngân hàng) là 25,4 tỉ đồng.
Qua đó cho thấy, ban điều hành của Yteco đã thỏa thuận các điều khoản thanh toán công nợ theo hướng làm lợi cho Công ty CP Duy Tân và không đảm bảo lợi ích cho Yteco...
Quá trình sử dụng 3 khu đất thuê của nhà nước trả tiền hàng năm, Yteco đều có thời gian dài sử dụng đất (toàn bộ hoặc một phần đất) không đúng mục đích…
Từ những kết luận nêu trên, Chánh TT TP đã kiến nghị và được chủ tịch UBND TP giao chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dược Sài Gòn TNHH MTV chỉ đạo đại diện vốn của Công ty Dược Sài Gòn tại Yteco yêu cầu hội đồng quản trị, đại diện pháp luật của Yteco tuân thủ nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán, chứng khoán, đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế... và các quy định pháp luật liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh…
Bình luận (0)