Đó là phát biểu của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tại hội thảo chống hàng giả, bảo vệ quyền SHTT và vai trò của doanh nghiệp (DN) do Báo Công Thương phối hợp với Cục QLTT tổ chức ở Hà Nội ngày 25-5.
Phát hiện 7, chỉ khởi tố 1 vụ
Nói về tính nghiêm trọng của nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm quyền SHTT hiện nay, ông Lê Thế Bảo cho biết: “Trong 1 phút, nếu chỉ ra ngành hàng nào không có hàng giả thì không thể được nhưng nếu chỉ ra ngành hàng nào bị làm giả thì có thể tính nhẩm được 30 ngành hàng. Về nông thôn các tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang..., nếu bỏ hết hàng hóa vi phạm bán ở các chợ biên giới, thử hỏi còn được bao nhiêu hàng thật?”. Theo ông Bảo, hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài rồi chuyển vào Việt Nam tiêu thụ, chiếm khoảng 60%-70%. Còn ở trong nước chủ yếu là thuốc bột, thuốc tiêm, thuốc thú y, phân bón NPK, mỹ phẩm, các loại thực phẩm tiêu dùng kém chất lượng và nhiều loại hàng hóa có độc tố khác.
Ông Bảo cho rằng một trong những nguyên nhân của vấn nạn hàng giả, hàng nhái là do các quy định pháp luật chồng chéo, chưa rõ ràng, muốn vận dụng thế nào cũng được. Ví dụ, bột ngũ cốc thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng nếu hiểu theo nghĩa là tinh bột lại thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương nên khi có hàng hóa vi phạm thì không biết xử lý thế nào.
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế (Bộ Công an), cũng cho rằng tội phạm hàng giả, hàng nhái đang len lỏi trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, ai cũng thấy, cũng bức xúc, các biện pháp có đủ nhưng hiệu quả thực thi chưa cao, chưa triệt để. Trung bình, cứ phát hiện 7 vụ thì chỉ có 1 vụ được khởi tố, còn lại phải chuyển các cơ quan xử lý hành chính. Khó xử lý hình sự đối với loại tội phạm này là do có quá nhiều văn bản hướng dẫn giẫm lên nhau, trong khi định nghĩa thế nào là hàng giả lại không có. Trong nhiều vụ việc, cơ quan điều tra mất rất nhiều tiền để giám định hàng hóa nhưng cơ quan giám định chỉ trả lời chung chung, không đủ căn cứ để khởi tố.
Chưa ra quân, đối tượng đã biết
Theo đại tá Hoàng Văn Trực, thiếu tin tưởng lẫn nhau đang khiến sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, không đẩy lùi được loại tội phạm này. “Ngay cả giữa các phòng trong cùng cơ quan công an với nhau cũng có hiện tượng rò rỉ thông tin, chỉ 5 phút sau khi họp xong, đối tượng đã biết. Mình chưa kịp triển khai quân, đối tượng đã tẩu tán tang vật rồi” - ông Trực nêu.
Về phía các DN cũng chưa phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng vì lo ngại thông tin sản phẩm của mình bị làm giả lan ra sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Khi được đề nghị phối hợp làm rõ thông tin về hàng giả, hàng nhái, nhiều DN chỉ trả lời “có nghe nói nhưng không biết rõ” hoặc “bây giờ mới nghe nói”.
Ông Lê Thế Bảo cho biết số lãnh đạo DN hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một lý do khác khiến DN chưa tin tưởng vào các cơ quan chức năng là do có hiện tượng tiêu cực trong chính đội ngũ thực thi. “Để công tác chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả, phải chống cho được hiện tượng tiêu cực, tạo lòng tin đối với DN thì cuộc đấu tranh này mới thành công” - ông Bảo nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung đánh vào các đầu nậu thì phần lớn các lực lượng chức năng mới chỉ tiếp xúc với những người làm thuê, từ biên giới đến nơi tiêu thụ và đây chưa phải những đối tượng chính của nạn hàng giả, hàng nhái. “Cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là vai trò của địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường bởi đây sẽ là yếu tố quyết định đến hiệu quả chống buôn lậu và hàng giả” - ông Hải đề xuất.
Năm 2015, xử phạt trên 68 tỉ đồng
Theo Cục QLTT, năm 2015, lực lượng này đã kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT, xử phạt hành chính trên 68 tỉ đồng.
Phần lớn mặt hàng bị làm giả, làm nhái tập trung trong các nhóm thực phẩm, thực phẩm chức năng, tiêu dùng, điện tử, điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm...
Bình luận (0)