Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ và đề nghị VKSND Tối cao truy tố 12 bị can trong vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), gây thất thoát hơn 9.642 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT đề nghị VKS truy tố bị can Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Tổng Giám đốc DAB) 2 tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng", "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". 11 đồng phạm từng là cấp dưới, đối tác bị đề nghị truy tố tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
2.000 lượng vàng qua tay Vũ "nhôm"
CQĐT kết luận bị can Trần Phương Bình đóng vai trò chủ mưu khi chỉ đạo cấp dưới tiến hành hàng loạt hành vi sai phạm tại DAB. Tính đến cuối năm 2015, sai phạm do Trần Phương Bình và đồng phạm gây ra khiến ngân hàng thất thoát hơn 9.642 tỉ đồng. Một trong những sai phạm nghiêm trọng đó là giao dịch liên quan đến 2.000 lượng vàng nằm ngoài sổ sách ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 6-2019
Theo kết quả điều tra, tháng 3-2015, Trần Phương Bình có chuyển 70,5 tỉ đồng cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), khách hàng "VIP" của DAB. Với số tiền trên, ông Bình nhờ đối tác mua 2.000 lượng vàng. Nhận lời, Vũ "nhôm" đến Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongbank) mua đủ 2.000 lượng vàng. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới nhận số vàng trên, nhập kho quỹ DAB nhưng không lập chứng từ. Tại CQĐT, Phan Văn Anh Vũ khai không biết rõ nguồn gốc khoản tiền ông Bình chuyển để nhờ mua vàng, cũng không biết ông Bình có mục đích gì khi mua số lượng lớn vàng miếng như vậy.
Trong khi đó, ông Trần Phương Bình khai nhận với CQĐT nhờ Vũ "nhôm" mua vàng rồi nhập vào kho quỹ DAB nhằm đối phó, khắc phục tình trạng âm quỹ vàng mà ngân hàng đang vướng phải.
Đối với hành vi trên, CQĐT nhận thấy ông Bình cùng cấp dưới chưa gây ra thiệt hại thực tế cho ngân hàng (số vàng vẫn còn trong kho quỹ) nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Đất vàng trong DAB
Ngoài việc nhờ mua vàng miếng ngoài sổ sách nêu trên, CQĐT còn làm rõ nhiều khoản vay lên đến hàng ngàn tỉ đồng, với nhiều tài sản bảo đảm là những dự án "khủng" do bị can Trần Phương Bình cùng cấp dưới, đối tác thông đồng duyệt hồ sơ trái quy định.
Năm 2011, Công ty TNHH MTV Ba Son và Công ty CP M&C ký hợp đồng đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM). Hai bên thỏa thuận phía Công ty CP M&C đặt cọc 500 tỉ đồng. Ông Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C) đề nghị DAB rót vốn. Khi đó, ông Bình có đề nghị về việc ngân hàng sẽ tham gia khai thác dự án sau này, đồng ý nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai. Từ hồ sơ thế chấp này, ông Bình và cấp dưới duyệt vay 1.520 tỉ đồng. Đáng nói, thỏa thuận thế chấp tài sản trên tại DAB không có của Công ty TNHH MTV Ba Son. Trong khi, đây mới là đơn vị có quyền đối với quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng và là chủ đầu tư dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn - Ba Son. CQĐT khẳng định việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản bảo đảm như vậy là chưa đáp ứng điều kiện pháp lý để làm tài sản bảo đảm, chưa công chứng thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngân hàng chưa thực hiện đúng điều kiện về bảo đảm tiền vay.
Không chỉ dự án trên, Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống với nhiều tài sản là dự án bất động sản ở TP HCM. Tổng thiệt hại DAB gánh chịu từ việc làm sai trái do 2 bị can trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là gần 3.500 tỉ đồng.
Tù chung thân
Tháng 6-2019, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt ông Trần Phương Bình tù chung thân cho 2 tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho DAB.
"Làm mất" 916 tỉ đồng, một chủ doanh nghiệp bỏ trốn
Ngoài Phùng Ngọc Khánh, nhiều chủ doanh nghiệp phối hợp cùng Trần Phương Bình lũng đoạn ngân hàng với nhiều khoản vay không thể thu hồi.
Cụ thể, ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vốn Thái Thịnh) thành lập, điều hành nhiều công ty con (Công ty Vĩnh Đức Sài Gòn, Công ty Tài Lộc…). Năm 2007, ông Nhân nhờ người quen đứng tên vay rất nhiều khoản vay tại DAB với mục đích đầu tư các dự án do Công ty CP Vốn Thái Thịnh và công ty con làm chủ đầu tư, xây dựng. Trong đó, một số khoản vay có tài sản thế chấp không đủ cơ sở pháp lý do tài sản đã thế chấp tại ngân hàng khác. Dù vậy, ông Bình vẫn duyệt hồ sơ vay. Tính đến ngày 24-12-2018, ông Nhân còn nợ DAB 916 tỉ đồng. Ông Nhân có dấu hiệu phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", hiện đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Bộ Công an đã tách hành vi này ra khỏi vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý khi bắt được.
Bình luận (0)