xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những tình huống "khó đỡ" của phóng viên nội chính

Bài và ảnh: Phạm Dũng

(NLĐO)- Không ít lần, phóng viên mảng Thời sự - Nội chính Báo Người Lao Động gặp những tình huống dở khóc dở cười trong lúc tác nghiệp.

“Xác chết” nhúc nhích dưới chân cầu

Tôi nhớ như in ngày 7-11-2012, được sự phân công của tòa soạn, chúng tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất từ rất sớm để đón các thủy thủ tàu Saigon Queen gặp nạn ở Sri Lanka  trở về nước. Sau một buổi mệt mỏi đợi chờ, chúng tôi đã săn được kha khá hình ảnh.

Về đến Tòa soạn cũng đã hơn 13 giờ. Trời nắng, chưa kịp cơm trưa, đường dây nóng báo một xác chết trôi vướng vào chân cầu Chu Văn An gần Bến xe Miền Đông, Bình Thạnh. Để có bản tin nóng sốt, chuyển tải nhanh nhất đến bạn đọc, tôi lấy xe máy chạy đến hiện trường trong lúc bụng đói rã rời.

Đến nơi, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt PV là hàng chục người dân nhốn nháo, cảnh sát phong tỏa hiện trường. Nhiều người dân hiếu kỳ còn dừng xe bu kín cả đường lên cầu gây kẹt xe nghiêm trọng.

Tôi chọn nhà một người dân gởi xe máy sau đó cố gắng len vào chân cầu để tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên vừa vượt qua được đám đông thì tôi sửng sốt vì đó không phải là một xác chết mà là một thiếu niên bằng xương, bằng thịt đang thều thào với công an “Ở đây là ở đâu vậy? Sao tôi lại đứng đây?”.

Vừa múc nước dội vào người thiếu niên cho rớt bùn, anh công an vẻ mặt hơi giận: “Người dân thấy em ở dưới chân cầu, họ gọi điện báo có một xác chết trôi. Sao người ta hô hào, dùng phương tiện ra “vớt xác” nhưng sao em không nói gì, giờ còn hỏi nữa”.

Lúc này, nam thiếu niên với khuôn mặt đơ đơ, tím tái ậm ờ: Em cũng không hiểu tại sao ở dưới đó nữa. Tại vì thấy mọi người la quá nên em cũng không dám nói gì…! Vậy là sao khi được dội nước sạch sẽ, thiếu niên được công an dùng xe chuyên dụng đưa về phường để người thân đến chở về.

Với nhiệm vụ một phóng viên, chúng tôi đã chụp vài bức hình để về báo cáo với Tòa soạn đó chỉ là một “xác chết di động” rồi lấy xe đi ăn cơm bụi…

Xác người tự tử hay là một vụ trọng án?
img
Đám đông vây quanh người bán cao trăn, thuốc cổ truyền

Là phóng viên thời sự nên chúng tôi có thể tác nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào dù lúc đi ăn uống, lúc đi chơi hay đám ma, đám cưới. Bao giờ trong cốp xe cũng có máy ảnh, dây cáp và máy tính xách tay để việc tác nghiệp nhanh chóng, kịp thời chuyển tải đến bạn đọc những thông tin mới nhất.

Một buổi trưa Chủ nhật, đang chạy trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) để về Long Am dự đám cưới một người bạn thì bất chợt bên kia đường một đám đông tụ tập rất đông từ những người đi đường đến người bán cá viên chiên, bắp luộc.

Bao giờ cũng vậy, câu hỏi đầu tiên chúng tôi thường đặt ra là: Đám đông đó có gì? Là một xác người tự tử hay là một vụ trọng án? Thế nhưng muốn sang bên kia đường phải chạy thêm vài km mới có ngã tư, sau một lúc chần chừ chúng tôi quyết định dự đám cưới trễ.

Càng đến gần, đám đông càng lúc càng nhiều, ít người đi đường chạy ngang mà không tấp vào xem. Chúng tôi chạy càng nhanh để có thông tin và không bị trễ giờ. Vừa dừng xe chúng tôi lại nghe nhiều người từ trong đám đông bước ra với vẻ mặt thất vọng kèm với những lời lẽ chán nản.

Sau khi khóa xe, chúng tôi len vào đám đông thì mới ngớ người, đó chỉ là trò thu hút khách hàng của những người bán cao trăn, thuốc gia truyền. Dù không tác nghiệp được nhưng đó là một trong những tình huống khiến chúng tôi nhớ hoài...

CSGT hộ tống phóng viên về tòa soạn

Đó là một phiên tòa lưu động tại phường 3, quận 8 xét xử vụ án môi giới mại dâm với số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong suốt phiên tòa khi phóng viên ngồi ghi chép thì một số người với khuôn mặt đằng đằng sát khi đến lân la hỏi: "Ủa, ghi rồi về đăng báo hả? Có gì đâu mà đăng?". Trong những tình huống này, chúng tôi chỉ trả lời cho qua chuyện và không để ý đến những người lạ.

img

Tú bà và tú ông sau phiên xử lưu động tại quận 8

Tuy nhiên, sau khi bản án đã được tuyên, phiên tòa vừa kết thúc, cảnh sát dẫn giải vừa rời khỏi địa điểm xét xử thì nhóm người nhà của các bị cáo (những người vừa hỏi phóng viên) nhào đến giật máy ảnh, đánh phóng viên.

Nhóm người nhà của bị cáo dàn binh bố trận trước UBND phường rồi hăm dọa "Chờ nó ra rồi xử". Vì ngại va chạm nên chúng tôi yêu cầu lãnh đạo, công an phường can thiệp. Một giờ sau, khi lực lượng công an có mặt thì nhóm người hành hung phóng viên cũng vội bỏ đi. Lúc này, hai chiến sĩ CSGT đã tận tình đưa chúng tôi về đến tòa soạn Báo Người Lao Động.

Đó là một trong những tình huống hy hữu khi bị tấn công bất ngờ, chúng tôi phải nhờ đến lực lượng công an, CSGT can thiệp để hạn chế thấp nhất những tình huống xấu xảy ra.

Khi lực lượng công an không hiểu luật

Vừa ra trường tôi đã chọn mảng nội chính với những chông gai đôi lúc có những nguy hiểm rình rập, một trong những va chạm đầu tiên đó là lần "chạm mặt" với Công an tỉnh Vĩnh Long ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Lần đó, tôi được tòa soạn phân công đến bệnh viện theo dõi sức khỏe của bị cáo Huỳnh Văn Quyên (trong vụ án Con dìm xác mẹ xuống sông ở Vĩnh Long mà Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh). Sau khi có được những hình ảnh của ông Quyên trên giường bệnh, khi coi lại tôi vẫn chưa ưng ý vì tấm hình chưa được đẹp nên lấy điện thoại chụp lại.

Ngay tức khắc, nhiều công an thường phục đã nhào đến giật điện thoại rồi yêu cầu tôi vào phòng riêng làm việc. Tôi yêu cầu xuất trình thẻ thì những người này làm lơ rồi gọi điện yêu cầu công an phường cùng một số đồng nghiệp công tác tại TPHCM đến làm việc với phóng viên.
 
img
Mặc dù Công an Vĩnh Long thu phương tiện tác nghiệp nhưng bức hình bị cáo Quyên ở Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn được đăng tải

Tại một phòng riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều công an của Vĩnh Long đã có những lời lẽ khiếm nhã, đồng thời yêu cầu phóng viên ký biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện tác nghiệp. Chúng tôi đã không đồng ý ký vì biên bản của Công an Vĩnh Long có những lời lẽ xúc phạm và cách xưng hô với phóng viên giống như tội phạm.

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh sự việc trên mặt báo, Công an Vĩnh Long đã họp khẩn và đã trả lại phương tiện tác nghiệp, đồng thời nói rằng "sẽ rút kinh nghiệp sâu sắc".


Bị cáo làm dáng xì-teen trước vành móng ngựa

Có đôi khi chúng tôi phát cười vì những nhân vật qua ống kính với những hành động khôi hài, làm trò, nếu không muốn nói là... khác người.

img
img

Rất hí hửng khi được chụp hình

Ra tòa với bộ dạng béo tốt, khuôn mặt rạng ngời dù đang phải đối diện với khung hình phạt rất nghiêm khắc nhưng bị cáo Chou Wai Mun (SN 1979, quốc tịch Malaysia) vẫn còn tinh thần "làm duyên" trước ống kính phóng viên.

Bị cáo Mun bị 4 năm tù về tội dùng thẻ visa giả đi mua hàng điện tử tại TPHCM. Khi được dẫn giải về trại giam, Mun rất vui vẻ cười cợt với những người xung quanh.
 
Một thẩm phán TAND TPHCM nhận định: "Đôi khi những bị cáo ít hiểu biết, chưa kịp ăn năn hối cải nên đã có những hành động khác thường như việc làm dáng xì-teen của bị cáo Mun"
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo