Bản án sơ thẩm vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ phân chia ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40% tài sản chung là cổ phần trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa án yêu cầu bà Thảo giao lại ông Vũ toàn bộ số cổ phần. Đồng thời, ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại tiền tương đương giá trị cổ phần đó cho bà Thảo. Phán quyết trên gây ra nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua.
Báo Người Lao Động Online trích đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề trên:
Luật gia Bảo Minh: Nỗi lo sau bản án
Dư luận quan tâm vì chủ thể cuộc tranh chấp gắn liền với tên tuổi của một đại gia được mệnh danh là “Vua cà phê Việt” và người vợ từng gắn bó, chia sẻ với ông từ thuở hàn vi, cùng tình cảm và khát vọng kinh doanh suốt gần 20 năm, nay bỗng tan đàn xẻ nghé. Nguyên cớ vì đâu?
Dư luận còn quan tâm đến vụ ly hôn bởi lẽ phần tài sản tranh chấp có giá trị lên tới gần 10.000 tỉ đồng; trong đó có các khoản cổ phần trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Kết quả vụ án ly hôn có thể gây phát sinh những ảnh hưởng nhất định đến tương lai thương hiệu Trung Nguyên. Ông Vũ nổi tiếng với câu nói "Tiền nhiều để làm gì" nhưng lại yêu cầu tòa án chia tài sản theo tỉ lệ 7-3. Về phía bà Thảo, những lời chỉ trích ông Vũ chỉ là những lời nói đơn phương mà không có một chứng cứ xác thực. Chủ tọa phiên tòa nhận nhiều ý kiến phản đối khi động viên bà Thảo quay về với phận sự làm vợ, làm mẹ. Sự thật ra sao thì chỉ người trong cuộc mới biết.
Dù sao vụ án hôn nhân cũng phải được kết thúc bằng một bản án. Nhưng đằng sau cuộc ly hôn này là số phận cả một thương hiệu vốn là niềm tự hào của người Việt. Kéo theo đó là nỗi lo lắng của những người nông dân trồng cà phê cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Trung Nguyên hay hơn 5.000 người lao động đang làm việc tại tập đoàn.
Vụ ly hôn thu hút sự quan tâm từ truyền thông
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Tòa án sai thẩm quyền?
HĐXX giao Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ, tước quyền cổ đông sáng lập của bà Thảo, căn cứ điều 64, Luật Hôn nhân Gia đình (HNGĐ) là áp dụng sai nguyên tắc của luật, vượt quá thẩm quyền xét xử việc chia tài sản chung của vợ chồng. Điều 64, Luật HNGĐ quy định về việc chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh nêu: vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Vậy, điều này được hiểu và áp dụng như thế nào cho hợp lý?
Vợ hoặc chồng (tức là chỉ 1 trong 2 người) sử dụng tài sản chung để thành lập Công ty TNHH một thành viên mà người đó là chủ sở hữu; góp vốn kinh doanh với cá nhân để kinh doanh, góp vốn vào 1 doanh nghiệp theo hình thức mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đó; mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoặc sử dụng tài sản chung của vợ chồng để tham gia hoạt động kinh doanh khác. Trong những trường hợp trên, người đang đứng tên kinh doanh, góp vốn có quyền nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng. Đối với việc hai vợ chồng cùng là cổ đông, sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì tài sản này là tài sản chung. Tuy vậy, việc chia tài sản là phần vốn góp, cổ phần phải áp dụng cả Luật Doanh nghiệp.
Trở lại vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ thương hiệu Trung Nguyên, cả 2 người hiện là cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên. Doanh nghiệp này được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp hiện hành. Như vậy, các cổ đông đều có quyền và nghĩa vụ tương ứng với số cổ phần mình sở hữu. Phải nói thêm, cổ phần trong doanh nghiệp không chỉ có giá trị là tài sản hữu hình mà còn có giá trị đối với phần tài sản vô hình (thương hiệu, lợi thế thương mại…). Luật Doanh nghiệp không có quy định về trường hợp bị thôi, bị tước tư cách cổ đông do phán quyết chia tài sản của vợ chồng trong vụ án HNGĐ. Việc chuyển dịch cổ phần của người này sang cho người kia chỉ được thực hiện thông qua tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế hoặc quyền mua cổ phần phát hành.
Theo những phân tích trên thì tòa án chỉ có quyền phân chia sổ cổ phần theo tỉ lệ đóng góp công sức của mỗi người. Câu hỏi đặt ra là liệu tòa án có thêm quyền chuyển hết số cổ phần của người này sang người kia?
Bình luận (0)